ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Tác giả Trần Đức vốn là người khao khát học hỏi và trăn trở về đời sống tinh thần, gần đây anh đã tình cờ được tham dự vào công tác duy tu bảo quản hai bức xá lợi toàn thân tại chùa Đậu. Kinh ngạc trước sự huyền bí mà hai bức xá lợi toàn thân của hai vị thiền sư, anh đã tự mình đi tìm hiểu sâu hơn về hành trạng của hai cụ, rồi cảm tác mà viết lên cuốn sách Bài Pháp Vô Ngôn. Suối nguồn tâm linh mát lành mà tiền nhân đã khơi gợi trong tác giả đã khiến anh viết nên những trang đầy hoài cảm và thao thức về con đường mà tiền nhân đã đi. 
Dù cuốn sách chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả, người đọc có thể cảm nhận được một sự rúng động tâm linh, niềm kính trọng sâu sắc và sự cảm phục của tác giả dành cho tiền nhân. 
Anh còn là dịch giả các cuốn sách về tâm linh của tác giả Eckhart Tolle: 
Đi Vào Thực Tại (2021)
Bí Mật Của Milton (2023)

Trần Đức

Giới thiệu cuốn sách

Chùa Đậu ở Thường Tín - Hà Nội là một địa danh nổi tiếng, là chốn linh thiêng nghìn năm tuổi. Nơi đây ghi dấu sự tu hành đắc đạo của Thiền sư Đạo Chân thế danh Vũ Khắc Minh và Thiền sư Đạo Tâm thế danh Vũ Khắc Trường. Cũng tại nơi này xá lợi toàn thân của hai ngài đã hiện hữu cùng tuế nguyệt suốt 400 năm qua... Từ sự rung động trong lòng, những dòng chữ trong cuốn sách đã được viết ra. Cuốn sách nhỏ không đủ để viết lại lịch sử của ngôi chùa, cũng không đủ sức để khắc họa chân dung về hai vị thiền sư... chỉ men theo dấu chân như có - như không của hai vị thiền sư đã lưu lại nơi đây để dò tìm đôi chút manh mối huyền cơ, để thắp sáng ngọn đuốc tự thân trên hành trình hướng nội. 
Không chỉ có tiếng nói của hai thiền sư mà còn có tiếng nói của tổ Bồ Đề Đạt Ma, của Phật hoàng Trần Nhân Tông... đã cất lên từ miền miên viễn vang vọng nơi cuốn sách này. Rồi tất cả tan biến như không có âm thanh nào được cất lên ... chỉ là khoảng không vắng lặng.
Chắc hẳn cuốn sách sẽ không làm hài lòng những ai đi tìm kiếm thông tin về xá lợi toàn thân của hai thiền sư hay nhằm củng cố một niềm tin nào đó, nhưng có thể cuốn sách sẽ hòa điệu cùng bạn hữu tương giao - những con người đang trên hành trình hướng nội, hành trình soi lại bản thân, hành trình trở về.

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Thông tin sách

ĐỌC THỬ

Đặt mua cuốn sách

ĐẶT MUA

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và ủng hộ Sách Thiện Tri Thức!

Tên sách: Xá Lợi Toàn Thân Bài Pháp Vô Ngôn
Tác giả: Trần Đức
Khổ sách: 13 x 19 cm
Số trang: 116 trang
Giá bìa: 108.000 đ
Giá ưu đãi: 92.000 đ (Sales 15%)
Phí ship toàn quốc: đồng giá 18.000 đ

Trích đoạn sách hay

MỤC LỤC:
Lời mở đầu
PHẦN 1: THÀNH ĐẠO TỰ - CHÙA ĐẬU
Nguồn gốc Tứ pháp và việc thờ nữ thần Pháp Vũ tại chùa Đậu
Chùa Đậu - có tự bao giờ?
Nơi linh khí hội tụ

PHẦN 2: XÁ LỢI TOÀN THÂN
Xá lợi toàn thân - Sự hi hữu ở thế gian
Khi cơ thể là ánh sáng
Xá lợi toàn thân - Bài pháp bặt dứt vọng niệm
Sa di Vũ Khắc Minh - Ngộ đạo không của riêng ai
Vượt thoát Danh vọng
Bài pháp tùy duyên - Hòa nhập với nhất thể
Bài pháp vô ngôn

LỜI KẾT: Xưa ẩn tu, nay thì sao?
PHỤ LỤC
Phụ lục 01: Bút tích Thiền sư Đạo Tâm
Phụ lục 02: Văn bia ghi việc tu tạo chùa Pháp Vũ
Phụ lục 03: Pháp Vũ tự tạo lệ bi
Tài liệu tham khảo
-----------------------
Nơi linh khí hội tụ
Về thăm chùa Đậu, chúng ta đều thấy chùa nằm ngay gần bên bờ sông Nhuệ nên không ít người lầm tưởng chùa vốn “nổi lên” theo mạch sông Nhuệ như bao ngôi chùa gần bờ sông khác.
Sự thực vượt xa ý nghĩa đó, cách chùa Đậu hơn 5km đường chim bay là dòng sông Hồng lớn nhất vùng bắc bộ. Và thật kỳ lạ từ dòng sông Hồng tại vị trí gần bến đò Chương Dương (Thường Tín) bỗng xuất hiện một nhánh nhỏ, hình thành một dòng nước chảy dài theo phương vuông góc tiến gần tới bờ sông Nhuệ thì dừng lại và uốn quanh một khu đất nhô cao. Dường như dòng chảy dài hơn 5km từ sông Hồng đến đó chỉ để cuộn quanh khu đất lạ kỳ này. Và trên khu đất tuyệt đẹp đầy linh khí đó đã được tiền nhân dựng lên một ngôi chùa với tên gọi ban đầu là Thành Đạo Tự.

Bản đồ thời Nguyễn đặc tả nhánh nước sông Hồng chảy cuộn quanh chùa Đậu thuộc Thường Tín, Hà Nội ngày nay.

Dưới góc nhìn của một số nhà phong thủy, ngôi chùa là đại huyệt, là mảnh đất tu hành, là nơi hội tụ linh khí lớn với sức ảnh hưởng có thể mang tầm vóc quốc gia.
Dưới góc nhìn của thi nhân, thì sự hùng vĩ của sông Hồng đã phát tiết ra một dòng nước thanh tịnh và trồi lên một bông sen tuyệt đẹp, bông sen đó chính là chùa Đậu.
Tại chùa còn lưu giữ trên bia đá, khánh đồng, chuông đồng những vần thơ, bài văn tán thán sự thiêng liêng và vẻ đẹp siêu thoát của ngôi chùa qua các thời kỳ.
Đời vua Lê Thần Tông (thế kỷ XVII), chùa Đậu được ngự phong là “Đệ nhất danh lam”. Quả thực điều này khiến nhiều người ngỡ ngàng vì trên đất nước ta đâu thiếu gì nơi cảnh đẹp tựa bồng lai cùng rất nhiều ngôi chùa trác tuyệt, vậy mà vua chúa lại ngự ban cho chùa Đậu danh xưng “Đệ nhất danh lam”. Thế mới thấy cảnh chùa khi xưa đẹp mức nào. Thật may đến nay chùa vẫn nguyên trên nền đất cũ, và dòng nước kỳ lạ từ sông Hồng năm xưa vẫn không ngừng tuôn chảy cuộn quanh ngôi chùa.
Chỉ là, như còn thiếu một chút gì đó để sống lại cảnh thế độc đáo nghìn năm xưa...
Mọi sự từ tâm, có lẽ phải từ tâm để sống dậy cảnh xưa? Cảnh thanh tịnh cần kiến tạo từ tâm thanh tịnh, cảnh đẹp tựa trăng rằm cần khởi phát từ tâm ngời sáng! Danh xưng “Đệ nhất danh lam” liệu có sớm trở lại nơi đây?
Dù tồn tại không ít văn bia suốt chiều dài lịch sử ngợi ca về ngôi chùa tuyệt đẹp này, tuy nhiên có lẽ điểm độc đáo nhất của ngôi chùa ... đã không được ghi lại trong bất cứ văn bia hay sách sử nào của dân tộc!
Vượt lên trên mọi vẻ đẹp, mọi sự kỳ vỹ - ngôi chùa là một thánh tích hiếm có. Ngôi chùa là thánh tích chứng kiến sự tu hành đắc đạo của hai thiền sư và cũng là nơi lưu lại xá lợi toàn thân của hai ngài suốt nhiều thế kỷ.
Chúng ta thường nói nhiều đến các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan,... Đó là nơi gắn liền với cuộc đời Đức Phật, là nơi gắn liền với các vị Bồ tát, các vị tổ giác ngộ. Vậy ở Việt Nam nơi Phật giáo được bén rễ từ rất sớm với nhiều vị tổ sư đắc đạo, chúng ta có những thánh tích nào? Chắc hẳn là đã tồn tại không ít thánh tích trên đất nước này, có điều nhận thức của xã hội về các thánh tích đó hiện nay ra sao mới là vấn đề cần đặt ra.
Chùa Đậu nơi chứng kiến hai thiền sư trụ trì tu hành đắc đạo nối tiếp nhau để lại xá lợi toàn thân hẳn nhiên là một thánh tích lớn của Phật giáo trên đất nước Việt Nam. Đã có không ít các bậc cao tăng trên thế giới tỏ ra ngỡ ngàng khi nghe nói về xá lợi toàn thân của hai thiền sư chùa Đậu và bày tỏ mong muốn có dịp được tới chiêm bái.
Tuy vậy hành trạng tu hành và hoằng pháp của hai thiền sư ra sao? Xá lợi toàn thân bất hoại là gì, có ý nghĩa thế nào? Và hậu thế nhận được gì từ đó? Là những câu hỏi lớn với chúng ta khi tới thăm thánh tích chùa Đậu.

XÁ LỢI TOÀN THÂN

Phác họa xá lợi toàn thân Thiền sư Đạo Chân - Thế danh Vũ Khắc Minh

Xá lợi toàn thân Sự hi hữu ở thế gian
Tương truyền sau khi đức Phật nhập diệt, ngài Ma-ha Ca-diếp tiếp nhận Y bát trở thành tổ thứ nhất của Phật giáo. Y bát mang tính biểu tượng của tâm ấn giác ngộ liên tục được truyền thừa qua các đời chư tổ trên đất Ấn Độ. Tổ thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma đã chuyển sang Trung Hoa hoằng pháp và được tôn là Sơ tổ của Thiền tông. Tại đây Y bát tiếp tục được trao truyền, đến Lục tổ Huệ Năng là đời thứ sáu. Lục tổ đã khởi đầu cho thời kỳ hưng thịnh của giáo pháp tại Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam... cụ thể nhiều bậc giác ngộ đã nối tiếp xuất hiện sau đó, tông phái thiền được phát triển rộng khắp. Khi nhập diệt, Lục tổ đã không truyền lại Y bát nữa mà ngài để lại xá lợi toàn thân như một tín vật cho hậu thế. Đến nay xá lợi toàn thân của ngài trải qua hơn 1300 năm vẫn vẹn toàn trong tư thế thiền định như vượt thoát thời gian.
Nối tiếp Lục tổ về sau ở Trung Hoa có thiền sư nổi tiếng và có vai trò rất lớn với thiền tông đó là ngài Thạch Đầu Hi Thiên. Thiền sư chính là người đặt nền tảng cho ba tông: Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn trong ngũ gia tông phái thiền. Thiền sư Hi Thiên khi nhập tịch cũng là trường hợp hi hữu khác để lại xá lợi toàn thân. Đến nay xá lợi của thiền sư đã được hơn 1200 năm. Sau này binh biến, xá lợi của thiền sư được chuyển qua Nhật Bản. Năm 1916 xá lợi toàn thân của ngài được đưa ra công chúng đã gây chấn động không những ở Nhật Bản mà còn cả ở Trung Hoa. Liên tục trong 100 năm tiếp sau đó giới tăng ni Phật tử cũng như chính quyền Trung Quốc nhiều lần trao đổi thương lượng với phía Nhật Bản để xin thỉnh xá lợi toàn thân của ngài hồi hương.
Lịch sử Phật giáo thế giới đến nay ghi nhận một số ít trường hợp người tu hành để lại toàn thân xá lợi. Toàn thân xá lợi của các bậc giác ngộ đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo và là một hiện tướng của giác ngộ lưu lại nơi thế gian này.
Sự tồn tại của xá lợi toàn thân không chỉ tác động mạnh mẽ tới giới tăng ni, Phật tử, tới những người tu đạo giải thoát mà còn thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, của giới khoa học trên toàn thế giới.
Trên đất nước Việt Nam, tại một ngôi chùa cổ, không chỉ có một mà có tới hai hành giả nối tiếp nhau để lại xá lợi toàn thân.
Ngôi chùa trên đất Thường Tín đó trải qua các tên gọi khác nhau: chùa Thành Đạo, chùa Pháp Vũ,... ngày nay tên gọi phổ biến với người dân là chùa Đậu. Nơi đây, thiền sư Vũ Khắc Minh pháp danh Đạo Chân và thiền sư Vũ Khắc Trường pháp danh Đạo Tâm đã tu hành và để lại xá lợi toàn thân gần 400 năm qua. Xá lợi toàn thân của hai thiền sư là minh chứng sống động về sự tu hành chứng đắc.
Nhân duyên kỳ lạ đã đưa PGS. TS Nguyễn Lân Cường tiếp xúc với xá lợi toàn thân của hai thiền sư. Năm 1983, trong một dịp công tác khảo cứu gác chuông ở chùa Đậu, khi đi vãn cảnh chùa ông đã tới am thờ Thiền sư Vũ Khắc Trường, PGS. TS Lân Cường thành kính chắp tay hành lễ. Rồi ông ngạc nhiên khi nhận ra phía sau vết nứt nhỏ trên trán của tượng là hộp sọ người. Là một nhà khoa học về Nhân chủng học, một nhà khảo cổ học đầy nhiệt huyết nên ông tiến hành các hoạt động nghiên cứu về bức tượng kỳ lạ này. Dù dân làng vẫn truyền nhau về tượng hai thiền sư chính là nhục thân của các ngài và ngay cả cuốn “Pagodes, temples et Maisons de culte de Ha Dong” do nhà xuất bản Hanoi Imprime Rie Ton Kinoise ấn hành năm 1932 cũng ghi nhận điều đó. Nhưng một hoạt động nghiên cứu khoa học về hai pho tượng thì có lẽ chưa từng được tiến hành. Sau nhiều nỗ lực của nhóm PGS.TS Lân Cường, bức tượng đã được đưa tới các trung tâm kỹ thuật hiện đại nhất khi đó để thực hiện các hoạt động chiếu chụp và phân tích đánh giá xem bức tượng được làm bằng gì, điều gì ẩn chứa phía sau lớp sơn bả. Kết quả nghiên cứu khoa học đã cho thấy, tượng chính là nhục thân nguyên vẹn của một con người với đầy đủ hệ thống xương khớp,... Điều đó đã làm cho PGS. TS Lân Cường và các nhà khoa học rất đỗi kinh ngạc.
Dù giới khoa học đã không còn xa lạ với hiện tượng xác ướp cổ đại, nhưng nhục thân của hai vị thiền sư thì hoàn toàn khác biệt. Thông thường để ướp xác, người xưa phải thực hiện đủ các kỹ thuật như: Dùng hóa chất, cắt bỏ nội tạng, hút óc ra ngoài và phải để thi hài trong quan, quách.v.v. Các phân tích chỉ ra rằng hai thiền sư chùa Đậu sau khi nhập diệt, nhục thân được phủ lên lớp sơn bả và để nguyên tại đó rồi thờ tự như các pho tượng thông thường. Vậy là nội tạng cũng như phần óc đã không được lấy ra, cũng không có sự bảo quản ở một môi trường đặc biệt về nhiệt độ với những hóa chất phức tạp. Nỗ lực của giới khoa học nhằm giải thích cho sự tồn tại nhục thân của các thiền sư trong suốt 400 năm qua đến nay vẫn không có lời giải đáp.

Phác họa xá lợi toàn thân Thiền sư Đạo Tâm - Thế danh Vũ Khắc Trường

Hai thiền sư đều là người họ Vũ và làng Gia Phúc nơi có ngôi chùa Đậu cổ kính cũng chính là nơi chôn nhau cắt rốn của hai ngài. Thiền sư Đạo Chân sinh khoảng những năm 1590, thiền sư Đạo Tâm sinh sau đó khoảng hai mươi năm. Bia đá tại chùa ghi lại năm 1636 thiền sư Đạo Chân còn đang làm trụ trì nhưng ba năm sau thiền sư Đạo Tâm đã tiếp nối làm trụ trì.
Sự nhập diệt của hai thiền sư đã diễn ra theo cùng một cách và được lưu truyền trong chùa cho tới ngày nay. Chuyện là, khi biết ngày nhập diệt đã tới, thiền sư dặn đệ tử: Sau khi ngài vào am thì bít cửa lại, 100 ngày sau hãy mở ra. Nếu thân thể hư hoại thì dùng đất lấp am, nếu nguyên vẹn, thì lấy sơn bả lên thân rồi xây bịt kín cửa am. Đúng 100 ngày sau, đệ tử mở cửa am thì thấy thân thể thiền sư vẫn an nhiên trong tư thế thiền định. Các đệ tử liền làm theo lời thầy dặn.
Xá lợi toàn thân hai thiền sư để lại từ thời Lê Trung Hưng và trường tồn cho đến ngày nay.
Xá lợi của các bậc tu hành đắc đạo vốn đã hiếm hoi thì việc để lại xá lợi toàn thân cho hậu thế càng hiếm hoi hơn nữa. Sự hi hữu của xá lợi cũng phần nào nói lên tính hi hữu của sự giải thoát giữa thế gian này.
Dù không phải tất cả các bậc giác ngộ đều để lại xá lợi toàn thân. Ngay như Đức Phật sau khi nhập diệt cũng không để lại xá lợi toàn thân mà ngài để lại hàng nghìn xá lợi dạng viên sau hỏa táng. Ngoài ra với nhiều bậc tổ sư sáng đạo khác khi nhập diệt đã để thân thể tan hoại tự nhiên như người thường.
Vậy lý lẽ ở đây là gì? Hẳn nhiên các tổ để xá lợi toàn thân không phải để chứng minh rằng các ngài đã giác ngộ. Trong kinh Kim Cang có câu: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. Những gì có hình tướng thì đều là hư ảo. Ta không thể nương tựa nơi hình tướng bên ngoài, không thể bám chấp vào đó được.
Việc để lại hàng ngàn viên xá lợi của đức Phật, hay việc để lại xá lợi toàn thân của các tổ đương nhiên có ý nghĩa và có huyền cơ lớn với hậu thế, vấn đề là ở chúng ta: Hậu thế nhận được gì từ đó - là câu hỏi dành riêng cho mỗi người.

Sách của dịch giả Trần Đức

  • Tên sách: Đi Vào Thực Tại
  • Tác giả: Eckhart Tolle
  • Khổ sách: 21 x 17 (cm)
  • Số trang: 124 (trang)
  • Giá gốc: 125.000 vnđ
  • Giá ưu đãi: 100.000 vnđ (-20%)
  • Tên sách: Bí Mật Của Milton
  • Tác giả: Eckhart Tolle
  • Khổ sách: 17 x 25 (cm)
  • Số trang: 42 (trang)
  • Giá gốc: 89.000 vnđ
  • Giá ưu đãi: 72.000 vnđ (-20%)

ĐẶT SÁCH

ĐẶT SÁCH

  • Tên sách: Hiện Diện Bên Con - Ý nghĩa tối hậu của việc làm cha mẹ
  • Tác giả: Susan Stiffelman
  • Khổ sách: 15,5 x 24 (cm)
  • Số trang: 292 (trang)
  • Giá gốc: 159.000 vnđ
  • Giá ưu đãi: 127.000 vnđ (-20%)

ĐẶT SÁCH

đặt mua những ẤN PHẨM khác của sách thiện tri thức

đặt mua những ẤN PHẨM khác của sách thiện tri thức

MUA NGAY

©2023 Bản quyền thuộc về Sách Thiện Tri Thức

CÔNG TY XUẤT BẢN SÁCH THIỆN TRI THỨC

Địa chỉ: số 141, ngõ 325 Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Hotline: + 84328 033 988

Email: contact@thientrithuc.com.vn

Website: http://thientrithuc.com.vn

HỆ THỐNG PHÁT HÀNH