Cái chết không bao giờ là kẻ thù. Sự thiếu hiểu biết là kẻ thù duy nhất.
Sợ hãi luôn gắn liền với những điều không biết và không quen thuộc. Sợ hãi và vô minh hầu như đồng nghĩa với nhau. Qua nghiên cứu và thực hành, chúng ta xóa bỏ bóng tối của vô minh bao quanh cái chết và chuyển hóa sợ hãi thành vô úy. Nói cách khác, chúng ta chinh phục và chuyển hóa cái chết bằng cách làm quen với nó. Và bằng cách trở nên quen thuộc với tâm mình thông qua thiền, chúng ta sẽ trở nên quen thuộc với bardo. Khi chết, [vì] không có thân thể vật chất, tâm là thứ mạnh mẽ nhất trong trải nghiệm của bạn; do đó trong bardo, các trạng thái tâm thiện lành và tham thiền có sức mạnh hơn nhiều so với trong cuộc sống bình thường...
Một trong những lý do khiến chúng ta khó rời khỏi thế giới này là bởi đã quá quen thuộc với nó. Đó là tất cả những gì chúng ta biết. Dù đó là luân hồi, chúng ta cảm thấy thoải mái và an toàn và rất khó từ bỏ chúng. Ngược lại, một trong những lý do khiến chúng ta khó bước vào thế giới tiếp theo là vì nó quá xa lạ. Chúng ta hoàn toàn không biết gì về nó. Mặc dù nó mang lại những cơ hội tuyệt vời để giác ngộ, nhưng chúng ta vẫn sợ phải bước vào những nơi chưa từng biết. Quá quen thuộc với thế giới này và không biết gì về thế giới tiếp theo là điều khiến quá trình chuyển đổi này khó khăn. Nói cách khác, quá quen thuộc với sự mê mờ bên ngoài và không đủ quen thuộc với sự sáng suốt bẩm sinh - cả hai điều này đều được hiển lộ trong bardo - là cơ sở cho một hành trình gian khổ sau khi chết. Liệu chúng ta sẽ chọn sự sáng suốt tỏa chiếu và xa lạ, rồi tỉnh thức? Hay chọn sự mê mờ ấm cúng và quen thuộc, rồi chìm lại vào giấc ngủ triền miên? Tìm hiểu về bardo không chỉ đơn thuần là tìm hiểu về cái chết. Chúng là sự cô đọng của toàn bộ con đường. Điều này có nghĩa là có một trải nghiệm tương đồng của các bardo xảy ra mỗi đêm ở dạng vi mô khi chúng ta “chết” trong giấc ngủ và được “tái sinh” vào sáng hôm sau; nó cũng xảy ra giữa sự sinh và diệt của mọi ý niệm.
Nếu có thể nhận ra Pháp thân vào lúc chết, chúng ta sẽ đạt được giác ngộ. Đây là cơ hội tuyệt vời, khi tịnh quang mẹ và tịnh quang con hợp nhất. Tịnh quang con, mức độ rõ biết về Pháp thân của chúng ta được trau dồi trong cuộc sống, nhận ra tịnh quang mẹ, Pháp thân mà từ đó mọi thứ khởi sinh rồi tan biến. Sự giác ngộ là kết quả của cuộc đoàn tụ mẹ con này.
* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *
Chuẩn bị cho sự tái sinh
Trước khi chết, một ý nghĩ xấu khởi lên không đúng lúc và sự bám chấp vào nó có thể kéo chúng ta xuống các cõi thấp hơn. Một ý nghĩ tốt khởi lên đúng lúc và sự nuôi dưỡng nó có thể đưa chúng ta lên những cảnh giới cao hơn, hay thậm chí là một cõi tịnh độ.
Sáu cõi luân hồi được chia thành 27 trạng thái có thể hiện hữu. Mỗi trạng thái hiện hữu được thâm nhập bằng cách dành thời gian cho trạng thái tâm tương ứng đó ngay lúc này. Điều này trau dồi nghiệp của trạng thái đó. Ví dụ: Nếu dành nhiều thời gian cho trạng thái tức giận, chúng ta đang trở nên quen thuộc với cõi địa ngục cho dù có biết hay không. Chúng ta đang mở đường vào địa ngục. Bằng cách nuôi dưỡng các trạng thái tâm cao hơn và tránh các trạng thái thấp hơn, chúng ta đang nuôi dưỡng sự tái sinh trong tương lai của mình. Đây là cách chuẩn bị cho sự tái sinh. Hãy nhìn vào tâm, chú ý đến các trạng thái tâm mình đang sống, và bạn sẽ thấy được kiếp sau của mình.
Giảm gánh nặng cho tâm để có thể dễ dàng di chuyển. Hãy bỏ đi những hành lý quá tải. Ngoài việc cho đi tài sản vật chất, khi cái chết đến gần, bạn có thể cúng dường tâm với mục đích mang lại lợi ích cho người khác. Bây giờ không phải là lúc để bám vào những sự vật và ý nghĩ để tạo ra gánh nặng cho tâm. Bây giờ là lúc để buông bỏ và nhẹ nhàng cất bước
Sakyong Mipham Rinpoche nói: “Tâm Bồ Đề là tâm nhẹ nhất của chúng ta. Nó nhẹ vì không còn điểm tham chiếu của cái tôi.” Tâm vị kỷ là tâm nặng nề nhất của chúng ta, là cái neo giữ chúng ta lại trong cuộc sống hoặc vào lúc chết. Tâm vị tha nhẹ tựa lông hồng và dễ dàng tiến về phía trước. Đây là lý do vì sao Đức Dalai Lama nói: “Vào lúc chết, tôi sẽ thiền về Tâm Bồ Đề. Nó sẽ giúp tôi tiếp tục trên con đường giác ngộ.” Giác ngộ là một từ đẹp, nhiều ý nghĩa. Ở đây nó ngụ ý cần thiết làm nhẹ gánh.
* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *
Con đường tâm linh thực sự không phải là trở thành.
Mọi người luôn hỏi tôi rằng trở thành một Phật tử có nghĩa là gì. Câu trả lời của tôi là: “Có nghĩa là không-ai-cả” [an trú trong bardo pháp tính, thực tính vô ngã của chúng ta]. Con đường tâm linh thực sự không phải là trở thành. Đó là không trở thành. Khi chúng ta buông bỏ nỗ lực vô ích này để trở thành ai đó, tự do và giác ngộ sẽ tự lo cho chúng.
“Đạt được giác ngộ” là một cách nói thông thường, một cách nói thể hiện tâm lý phương Tây thiên về sự “đạt được” của chúng ta. Đây là một sự nhầm lẫn nhỏ nhưng nghiêm trọng. Làm sao chúng ta có thể đạt được thứ mà mình đã có? Chúng ta không đạt được giác ngộ - chúng ta chỉ khám phá ra nó. Việc giữ quan điểm phải “đạt được giác ngộ” có thể ngăn cản điều này một cách nghịch lý. Người ta có thể tạm nói rằng chúng ta “đạt được công đức và trí tuệ”, nhưng mọi thứ đạt được trên con đường về căn bản đều phục vụ cho việc giúp chúng ta thư giãn. Hãy thư giãn vào trạng thái bản nhiên, đừng vật lộn với nó.
Ta phải cho cái tôi ảo tưởng chết đi sống lại. Cái chết này sâu hơn cái chết thể xác. Cái chết này cho phép tất cả nỗi thống khổ của chúng ta tan biến vĩnh viễn. Đó không phải là kết thúc của một cái gì đó. Đó là sự khởi đầu của cuộc sống nơi hoa trái của yêu thương và trí tuệ nở rộ. Hãy làm quen với bản chất bất tử của mình ngay bây giờ, và bạn sẽ nhận ra nó khi chết. Bạn sẽ trở nên vô ngã trước khi bị buộc phải làm như vậy, và do đó tịnh quang con sẽ dễ dàng nhận ra tịnh quang mẹ.
Có ba hạng hành giả khi bước vào bardo. Mỗi hạng tùy thuộc vào mức độ đúng đắn của cái nhìn và quan kiến. Những hành giả bậc cao đón chào cái chết, bởi họ nhận ra đó là cơ hội lớn nhất để thức tỉnh, họ biết mình đang tới chỗ giác ngộ. Những hành giả bậc trung không sợ hãi, bởi họ hiểu tiến trình. Những hành giả bậc thấp không hối tiếc, bởi họ đã sống một cuộc đời tốt đẹp và cố gắng hết sức để chuẩn bị cho cái chết của mình. Nếu nâng cấp và cải thiện cái nhìn của mình, chúng ta có thể đạt đến bất kỳ cấp độ nào trong ba cấp độ đó và ra đi trong thanh thản. Hãy mở rộng tâm thức. Chấp nhận chết như một cách tự nhiên để hoàn chuyển tinh thần trong những dạng thức mới vô tận.
* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *
Thiền là một quá trình chuẩn bị đầy đủ cho cái chết
Những dấu hiệu bên ngoài của bardo hoại diệt bắt đầu xuất hiện khi chúng ta già đi. Nếu chúng ta nhạy cảm thì già đi chính là sự chuẩn bị cho cái chết. Việc già đi và trở nên suy sụp là cách mà tự nhiên nhắc nhở chúng ta từ bỏ sự dính mắc với hình tướng. Tuổi già, bệnh tật và cái chết là những sự sỉ nhục sau cùng với cái ngã, nhưng lại là những lời tán dương tốt nhất với tinh thần. Ngay cả trước khi bước vào giai đoạn thực sự của cái chết, cơ thể, và thậm chí cả tâm thức bắt đầu có sự buông bỏ khi chúng ta già đi. Chúng ta mất tóc, răng, thị lực, thính giác, khả năng vận động, tính linh hoạt, sức bền, trí nhớ và vô số khía cạnh thể chất, tinh thần khác của mình. Chúng ta mất kiểm soát, tính hiệu quả, sự độc lập, an toàn, ước mơ cho tương lai và thậm chí cả ý nghĩa của cuộc sống. Lão hóa là một thực hành chuẩn bị (ngondro) cho sự buông bỏ bắt buộc xảy ra khi chúng ta chết.
Trong rất nhiều con đường, toàn bộ hành trình tâm linh không gì khác ngoài việc buông bỏ. Đó là một cái chết từ từ. Vì vậy, nếu chân thành cất bước, cái chết sẽ là một lối thoát êm ái trên con đường chúng ta đi. Chúng ta có thể chọn buông bỏ từ bây giờ và chết trước khi chết, làm nhẹ bớt quá trình chuyển tiếp. Hoặc có thể chờ và bắt buộc phải buông bỏ vào lúc chết, điều thường dẫn đến một hành trình trắc trở. Như Rinpoche đã nói, buông bỏ không quen thuộc với ta vào lúc đầu, đó là lý do nó khiến ta đau đớn. Nhưng thiền là việc “làm quen” với sự buông bỏ và nhờ đó khiến cho những chuyển biến giữa cuộc sống và cái chết trở nên nhẹ nhàng hơn. Hình ảnh bên ngoài bị loại bỏ, âm thanh, mùi, vị, và rồi các đối tượng của xúc chạm. Đây là lý do vì sao. Lama Yeshe nói: “Thiền gọt giũa tâm thức thô trược, phân tán và khiến cho tâm thức vi tế hoạt động. Bằng cách đó, nó thực hiện cùng một chức năng như cái chết.”
* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *
Cái chết là một tin xấu đối với vật chất nhưng lại là một tin tốt đối với tinh thần.
Tất cả những gì thuộc về vật chất đều tan ra, nhưng những gì thuộc về tinh thần thì tụ lại. Nhị phân tan rã dần còn bất nhị hợp nhất dần. Hình ảnh này cũng giúp chúng ta hiểu ra rằng bất kỳ điều gì chúng ta trải nghiệm qua tâm trong lúc chết đều chính là những gì chúng ta đã dung nạp khi còn sống. Tâm giống như một miếng bọt biển. Nó thấm hút toàn bộ những gì có trong môi trường xung quanh. Khi chết, những gì đã thấm vào sẽ được vắt ra và trở thành toàn bộ trải nghiệm của chúng ta. Đây là lý do vì sao chúng ta muốn nhúng tâm mình vào trong Tâm Bồ Đề và tạo ra nhiều công đức nhất có thể. Nghiệp của chúng ta, một lần nữa, sẽ dẫn dắt chúng ta khi chúng được trổ ra. Quá trình tương tự cũng diễn ra trong đời sống. Nếu bạn muốn biết được tính cách thực sự của một ai đó, phần nội hàm của họ, hãy quan sát những gì phát ra từ họ khi họ ở trong những hoàn cảnh khó khăn.
* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *
- Đừng cắt ngang lời người đang nói và đừng hối thúc họ.
- Hãy để ý quan sát chính mình, những vấn đề cá nhân và nỗi sợ khi bước vào không gian của họ hay khi mình trò chuyện.
- Nếu không hiểu điều gì, hãy hỏi rõ. Hãy bày tỏ sự quan tâm của mình bằng việc đặt những câu hỏi ân cần.
- Hãy nhận ra rằng mình không thể quy định được hoàn cảnh. Chấp nhận nó.
- Không khuyên nhủ hoặc làm trái ý.
- Thể hiện sự đồng cảm chứ không phải sự thương hại.
- Tiếp tục chủ đề trò chuyện cho đến khi người đó bộc lộ xong về bản thân họ.
- Hãy cảnh giác khi cảm thấy muốn động viên hay trấn an họ một cách giả tạo.
- Đừng bao giờ kéo dài cuộc trò chuyện khi hầu như người nói chủ yếu là bạn. Hãy nhận diện sự bất an của chính mình và thôi thúc muốn lấp đầy khoảng trống.
- Hãy liên hệ với người đó chứ không phải bệnh tật.
- Hãy để người sắp mất nói về những vấn đề mà họ lựa chọn. Ghi nhận họ bằng một cái gật đầu, một cái siết tay hay nhắc lại với họ những gì bạn vừa nghe được.
- Người sắp mất muốn được lắng nghe chứ không phải được chỉ dạy.
Chúng ta luôn mang theo một bầu khí quyển quanh mình, một bầu không khí hoặc một trạng thái biểu hiện tâm trạng của chúng ta. Nếu chúng ta lo lắng và căng thẳng, người sắp mất có thể cũng cảm thấy điều đó. Nếu chúng ta cởi mở, rộng thoáng và thảnh thơi, họ cũng sẽ cảm thấy như vậy. Nhiều nhân viên chăm sóc sức khỏe nhận xét rằng khi một người cận kề cái chết, tâm họ trở nên ít bị giam hãm hơn trong cơ thể. Họ trở nên tỉnh thức hơn về môi trường xung quanh, như thể tâm họ tràn ra khắp căn phòng. Món quà tuyệt vời nhất mà nhờ đó ta có thể dành cho họ là sự hiện diện vô điều kiện, sự hiện diện lấp đầy bầu không khí bởi sự vững vàng và yêu thương.
Khenpo Karthar Rinpoche nói: “Ngay cả khi một người đã sống một đời bất thiện thì nếu có thể tác động một cách tích cực lên trạng thái tâm cuối cùng của người đó khi sắp mất, một tái sinh tốt đẹp có thể xảy ra. Đó là một trong những phước lành lớn nhất mà bạn có thể dành tặng cho cuộc đời của một người khác.”
Nhà tâm lý học Marie de Hennezel đã viết: “Tạo nên bầu không khí ấm áp và tĩnh lặng quanh một người bệnh đang khổ sở chắc chắn là điều lợi lạc nhất mà ta có thể làm cho người đó.” Cô chia sẻ thêm rằng với một y tá có khả năng thường xuyên làm được điều này thì những bệnh nhân trong ca trực của cô ấy luôn cần ít thuốc an thần hơn.
Hãy nhắc người khởi hành rằng họ đang sắp hòa nhập tâm mình với tâm trí tuệ của vị thầy, và rằng chư Phật từ bi đang chờ đợi để đưa họ tới cõi thanh tịnh. Hãy nhắc họ rằng khía cạnh chân thật nhất của sự tồn tại của họ, thân cực vi tế bên trong không chết. Hãy thay thế nỗi sợ hãi bằng niềm hy vọng.
Với nhiều người, cái chết là một điều đáng xấu hổ, một sự sụp đổ, một sự thất bại hoàn toàn. Nhưng đúng hơn thì đó là thời điểm của sự thật, của việc đối diện với thực tại. Chối bỏ sự tương thuộc là không đón chào thực tế. Đừng đánh giá thấp khả năng đối diện thẳng thắn với mọi chuyện của người sắp mất. Sức mạnh nằm ở chỗ chấp nhận thực tế. Không có gì có thể chặt đứt các trò chơi của cái tôi và trực tiếp ném bạn vào thực tại hơn cái chết. Chúng ta có thể giúp người sắp mất buông bỏ bằng cách tự mình buông bỏ người đó. Chúng ta có thể vẫn ở đó với họ, quan tâm tới họ một cách sâu sắc, thương yêu họ chân thành và làm tất cả những điều đó mà không dính mắc.
Điều người sắp mất cần nhất là sự thể hiện tình yêu thương một cách vô điều kiện nhất có thể, thoát khỏi mọi kỳ vọng. Đừng bao giờ nghĩ mình phải trở thành một chuyên gia theo bất cứ cách nào. Hãy tự nhiên, là chính mình, là một người bạn thực sự, và người sắp mất có thể cảm thấy chắc chắn rằng bạn đang thực sự có mặt với họ, hãy giao tiếp với họ thật giản đơn và bình đẳng, như một con người đối với một con người.
... Bạn sẽ thấy điều người sắp mất muốn cũng là điều mình mong muốn nhất: Được thực sự thương yêu và chấp nhận.
Những chỉ dẫn cho việc lắng nghe thấu cảm và hồi đáp đồng cảm:
Luôn kiểm tra động cơ của chính mình.
Với những người chăm sóc, hãy cẩn thận đừng áp đặt những cái “nên” của bạn lên người sắp mất hay chính mình. Đừng cho rằng mọi chuyện nên diễn ra theo một cách nào đó, hay là mình nên cảm thấy một cảm xúc nhất định nào đó. Hãy tự tin bằng việc chuẩn bị, và rồi để hoàn cảnh và chính người sắp mất chỉ dẫn mình. Trong điệu nhảy tinh tế này, người sắp mất mới là người dẫn nhịp. Nhiệm vụ của bạn là nhận biết được nhu cầu của họ chứ không phải áp lên họ nhu cầu của mình. Đừng lôi họ vào phiên bản của bạn về một cái chết hoàn hảo.
Hãy tiếp cận với người sắp mất bằng sự cởi mở. Hãy đón nhận sự bất ngờ. Học cách trân trọng sự im lặng và những điều không chắc chắn. Đây là lúc để thực hiện Tâm Bồ Đề, điều sẽ giữ cho trái tim của bạn luôn rộng mở, và thiền định, điều sẽ giúp cho bạn có được một tâm thức an định, một chỗ dựa vững chắc. Sự vững vàng sẽ tự động thu hút và xoa dịu người khác - đặc biệt là khi họ đang bị mất nó. Họ sẽ nương tựa vào sự hiện diện và bình an trong tâm bạn. Hãy chân thật và đơn giản. Và làm mọi điều từ trái tim mình.
Dù rất nhiều điều chúng ta có thể làm, nhưng sự “biết-tuốt” là có hại nhiều hơn lợi. Nhiệm vụ của chúng ta là hỗ trợ, yêu thương và giúp người sắp mất cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Đừng quá chú trọng việc hướng dẫn họ. Hãy để họ hướng dẫn bạn. Cảnh giác với những cái bẫy của việc nói, nói vì lo lắng, hoặc nói để phá vỡ sự im lặng. Hãy tránh những lời sáo rỗng kiểu: “Tôi biết bạn đang cảm thấy thế nào.” Nếu không chắc chắn điều gì là nên nói, đừng nói gì cả. Hãy im lặng và lắng nghe. Đừng sợ hãi khoảng không. Đừng trở nên giáo điều, võ đoán, hay là quá tâm linh. Bạn đang có mặt trong những giờ khắc vĩ đại nhất của một con người như một người chăm sóc và một vị khách danh dự. Hãy nhắc nhở bản thân rằng đó là một vinh hạnh khi được ở bên một người trong sự chuyển tiếp độc nhất vô nhị này của cuộc đời họ.
Hãy chỉ đơn giản là chạm sâu vào trái tim mình, là chính mình, và ở bên cạnh im lặng.
* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *
Lắng nghe thấu cảm và hiện diện vô điều kiện.
Lắng nghe thấu cảm có nghĩa là nghe không chỉ với hai tai mà còn cả trái tim. Hãy chuẩn bị để lắng nghe những câu chuyện cũ rích lặp đi lặp lại từ những người lớn tuổi. Hãy sẵn sàng cho những cơn giận hay những sự thất vọng bộc phát, đôi khi nhằm thẳng vào bạn. Đừng ôm chuyện đó vào mình. Bất kỳ ai đang trong tình trạng cực kỳ căng thẳng đều cần được giải phóng áp lực đó ra. Hãy chấp nhận họ như họ là, cả về cảm xúc và tinh thần, không phải theo cách mình muốn họ là. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ, chui vào bên trong họ. Một hồi đáp đồng cảm ghi nhận những cảm xúc của người đó và mời họ mở lòng và thể hiện con người mình. Điều đó sẽ giúp họ thả lỏng.