ĐẶT MUA

NGHE THỬ

Susan Stiffelman là nhà báo phụ trách chuyên mục “Parent Coach” trên tờ Huffington Post uy tín và cũng là tác giả của cuốn sách Nuôi Con Bằng Trái Tim Tỉnh Thức". Cô còn là một nhà tâm lý trị liệu về cặp đôi và gia đình, một giảng viên, một diễn giả quốc tế. Susan đồng thời là người chơi băng cầm (banjo) rất giỏi, một vũ công thiết hài (nhảy kiểu Ireland) và là một người làm vườn say mê. Cuốn Hiện Diện Bên Con nằm trong Eckhart Tolle Editions. 

Susan Stiffelman

Giới thiệu cuốn sách

Có lẽ không bất ngờ gì khi cuốn sách về cha mẹ và con cái thường nói lên một điều rằng chúng ta dạy người khác chính cái điều mà ta cần phải học nhất. Giống như nhiều người lớn lên trong thập niên 1950, 1960 (không kể thập niên 1930 và 1940, 1970 và 1980), cha mẹ yêu thương con cái hết mực, lúc nào cũng mong mỏi những gì tốt đẹp cho con nhưng họ khá mù mờ về cách nuôi dạy con cái. Họ chỉ biết cố gắng làm tốt nhất có thể, họ chỉ dạy con theo phản xạ, theo lời khuyên của bác sĩ và ít nhiều làm theo bất cứ thói quen nuôi dạy con cái nào thịnh hành lúc đó. Kết quả thì như các bạn thấy, không có gì nổi bật. 
Chúng ta luôn tin rằng các bậc cha mẹ làm gì thì làm cũng phải trở thành những thiên thần hộ mệnh cho tia sáng ban sơ của con trẻ, cũng phải vinh danh chúng như là những sứ giả của niềm vui, mà quả thật các con chính là niềm vui, niềm hạnh phúc thực sự. Thế mà, thực tế chúng ta lại thường thấy chúng đang vật vã loay hoay với mọi thứ trên đời, từ bài tập về nhà đến các công việc nhà, chúng ta chỉ biết đứng đó nhìn ánh sáng ấy bắt đầu tàn lụi. 
Trong Nuôi con bằng trái tim tỉnh thức, tác giả đã vận dụng mọi kinh nghiệm, hiểu biết thu lượm được trong quá trình giảng dạy, tư vấn và trong cả hành trình làm cha làm mẹ của riêng mình, rồi tổng hợp lại thành một cơ sở dữ liệu có tác dụng cải thiện đáng kể con đường làm cha làm mẹ của bạn. Đầu tiên tác giả sẽ phân tích việc con cái cần chúng ta, những bậc làm cha làm mẹ, trở thành Thuyền trưởng trong cuộc sống của con. Bạn sẽ học được cách tránh tranh giành quyền lực mà có vẻ như nhất định sẽ xảy ra khi bạn và con mình không nhìn vào mắt nhau. Bạn sẽ phát hiện ra cách lấy lại bình tĩnh khi tạm thời đánh mất nó, cho dù con bạn có đang ngoan ngoãn, nghe lời hay không. Và bạn sẽ phát hiện ra cách giữ vững tinh thần thậm chí trong cả những lúc sóng gió nhất của chuyến hải trình làm cha làm mẹ, những sóng gió mà có thể khiến ta cho roi cho vọt lẫn cho ngọt cho bùi con cái chính khi chúng ta đang cảm thấy mình chẳng có quyền lực gì. 
Đâu đó có câu nói rằng từ khi có con, trái tim chúng ta nhảy ra khỏi lồng ngực và bắt đầu đi loanh quanh trên đôi chân của chúng mãi mãi. Nỗi đau, cái đẹp, sự bất lực và sự tuyệt vời của việc nuôi dạy một đứa trẻ tưởng như vô biên choáng ngợp tới mức bạn vẫn chưa tin là mình có thể làm được. Thỉnh thoảng, chúng ta ngắm nhìn con cái và cảm thấy nghẹt thở. Tình yêu con đã khiến ta khuỵu gối cầu nguyện cho con được an toàn, yên ổn và cuộc sống của con được hạnh phúc, vui vẻ dù hiện tại đó chỉ là cuộc sống bình dị, và cầu cho con luôn tiến về phía trước hướng tới một cuộc đời trưởng thành lâu dài. 


ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Thông tin sách

Tên sách: Nuôi Con Bằng Trái Tim Tỉnh Thức
Tác giả: Susan Stiffelman
Khổ sách: 15,5 x 24 cm
Số trang: 318 trang
Giá bìa: 177.000 đ
Giá ưu đãi: 150.000 đ (Sales 15%)
Miễn phí vận chuyển toàn quốc

Nếu bạn đang thành công trong việc nuôi dạy con thì cuốn sách này sẽ là vô nghĩa. Nhưng nếu bạn cảm thấy cuộc sống làm cha mẹ thật mệt mỏi, với vô vàn khó khăn thì cuốn sách có thể sẽ mở ra một cánh cửa lớn.
Cánh cửa nuôi dạy con ư? Không, trước hết cuốn sách sẽ giúp bạn mở cánh cửa tâm hồn của chính mình. Cuốn sách giúp bạn nhận ra kỳ thực những khó khăn trong đời sống làm cha mẹ không hẳn đến từ con cái mà chủ yếu đến từ vấn đề của chính bạn, đến từ những tổn thương trong tâm hồn, đến từ những mô thức đã bị định đặt sẵn ở trong bạn. 
Khi đời sống nội tâm của bạn đang bị vật lộn thì việc nuôi dạy con trong cuồng quay chỉ là vấn đề hệ quả. Và sự diệu kỳ của việc làm cha mẹ hoá ra không phải là để nuôi dạy con trưởng thành mà điều trước tiên là giúp cha mẹ trưởng thành. Và những thách thức của đời sống làm cha mẹ hoá ra lại là chất liệu tuyệt vời nhất để giúp bạn tiến hoá. 
Sự tiến hoá tâm hồn mới thực sự là sự tiến hoá về tâm linh. Và chìa khoá của sự thức tỉnh tâm linh là sự Hiện diện - Bây giờ và ở đây. 
Hiện Diện Bên Con - một cuốn sách vô cùng sâu sắc dành cho các bậc cha mẹ. Một cuốn sách nói lên ý nghĩa tối hậu của việc làm cha mẹ. Một cuốn sách khởi đầu cho một thế hệ cha mẹ mới trên hành tinh này - cha mẹ tỉnh thức, và đó cũng là nền tảng để một loài người mới được lớn lên - những đứa trẻ tỉnh thức. 

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Thông tin sách

Tên sách: Hiện Diện Bên Con - Ý nghĩa tối hậu của việc làm cha mẹ
Tác giả: Susan Stiffelman
Khổ sách: 15,5 x 24 cm
Số trang: 292 trang
Giá bìa: 159.000 đ
Giá ưu đãi: 135.000 đ (Sales 15%)
Miễn phí vận chuyển toàn quốc

Nuôi con bằng trái tim tỉnh thức

Hiện diện bên con

Đặt mua cuốn sách

ĐẶT MUA

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và ủng hộ Sách Thiện Tri Thức!

Nuôi con bằng trái tim tỉnh thức

Trích đoạn sách hay

MỤC LỤC:
Những lời khen tặng dành cho Nuôi con bằng trái tim tỉnh thức
Lời giới thiệu

Chương 1: Là thuyền trưởng vững tay lái vượt qua cả những lúc bão giông lẫn lúc yên bình
Chương 2: Gắn bó và kết nối
Chương 3: Giúp con có nhiều mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng
Chương 4: Thân thiết với con cái
Chương 5: Giúp trẻ giải tỏa nóng giận
Chương 6: Làm gì khi con cãi lời, tức giận, ăn vạ và hung hăng
Chương 7: Để con hợp tác
Chương 8: Trân trọng con cái
Chương 9: Đứa trẻ nào cũng là thiên tài
Chương 10: Giúp trẻ tránh phiền muộn và lo âu – thực sự hạnh phúc
Chương 11: Hiện diện và tỉnh thức, thư giãn không cần thiết bị điện tử 
Chương 12: Giúp trẻ tạo ra cuộc sống tốt nhất có thể
Chương 13: Hãy sống như thể con đang quan sát bạn vì đúng là như thế
PHỤ LỤC “Kể từ đây tôi nên làm gì?”
Về tác giả
Câu hỏi và các chủ đề thảo luận 

-----------------------
Con gái của Robert bắt đầu xa cách cha
Mới đây, một người cha gọi điện tới cho tôi, anh ta đang lo lắng về đứa con gái đang tuổi thiếu niên của mình. Vào câu chuyện, Robert nói rằng: “Khi Rosie mới sinh ra, tôi yêu thương con vô bờ bến và cảm thấy dường như trên đời này không có việc gì là tôi không thể làm được cho con. Khi con bé lớn hơn một chút, hai cha con đã nảy nở tình yêu thương, ngưỡng mộ lẫn nhau; kiểu như trong mắt con bé tôi luôn luôn đúng còn trong trái tim tôi con bé là viên ngọc tuyệt vời. Khi con bé đang ở tuổi cắp sách đến trường, hai cha con thân thiết nhau tới mức tôi đoan chắc là không gì có thể chen giữa chúng tôi được. Mẹ Rosie đã mất khi con ba tuổi, bởi thế nên chúng tôi mới đặc biệt thân thiết với nhau. Nó kể với tôi mọi chuyện trên đời – mọi lo lắng, muộn phiền, mọi rắc rối với bè bạn, thầy cô. Khi con bé bước vào tuổi thiếu niên, nó đã gặp một số khó khăn khi nhận thấy lúc này nó thiếu vắng mẹ và cần mẹ biết bao, nhưng rồi chúng tôi cũng vượt qua giai đoạn đó. Thật ra, đôi khi tôi cũng nghe thấy bạn bè nói về những vấn đề với con cái của họ ở tuổi con bé và tôi đã thầm nghĩ là chắc hẳn họ đang làm sai điều gì đó, chứ tôi thì chẳng gặp phải bất cứ vấn đề nào như của họ cả.

“Chắc có lẽ chúng ta nên tua nhanh đến giai đoạn sáu tháng vừa qua nhỉ. Rosie ở với bạn bè còn nhiều hơn cùng với tôi. Tôi đoán chắc chuyện đó cũng bình thường thôi, thế nên tôi cố không để tâm; tôi đã nghĩ là trẻ tuổi đấy thì đứa nào chẳng xa cách cha mẹ hơn trước, đó là chuyện tự nhiên thôi mà. Tầm thời điểm sinh nhật thứ 15 của con bé, có vẻ như lúc nào con bé cũng cáu kỉnh, bực bội. Tôi lại đổ tại tuổi dậy thì với hormone các kiểu, mặc dù tôi cũng phải thừa nhận là tôi có đôi phần lo âu.

“Gần đây con bé lại càng thu mình hơn, tới mức mà nó gần như chẳng nói chuyện gì với tôi cả. Những người bạn có con gái cũng trạc tuổi Rosie bảo tôi rằng chuyện đó là bình thường và tôi biết rằng rồi mọi chuyện sẽ không suôn sẻ nữa vì con bé đang trở thành một thiếu nữ khi không có mẹ ở bên. Nhưng trong tôi đang giằng xé rất nhiều suy nghĩ khác nhau, tôi không biết liệu mình có nên làm gì đó để cải thiện tình hình hay cứ để mọi chuyện trôi đi. Tôi nghĩ tôi đang cố tình không chịu tin là Rosie đang ngày càng tuột khỏi vòng tay tôi. Tôi không thể tin được con gái tôi, mặt trời trong trái tim tôi và cô bé đã từng thân thiết với tôi biết mấy ấy lại có thể ngày càng đẩy tôi ra xa đến vậy. Nhưng sự thật là chính tôi mới là người không hiểu gì về con bé, và cuối cùng thì tôi cũng đã phải thừa nhận như vậy.

“Rồi có một chuyện đã xảy ra tối qua, và là thực tế đanh thép nhất đối với tôi. Mẹ của bạn Rosie gửi cho tôi một email có đường link Facebook của con bé. Khi tôi nhìn vào trang Facebook đó, người tôi co lại. Tôi không thể nào tin được những điều khủng khiếp mà con bé đã nói ra, những thứ nó thích, những lời dối trá về bản thân nó, nó đã miêu tả nó khủng hoảng, trầm cảm thế nào và những bức ảnh khiêu khích nó đăng lên cho tất cả mọi người nhìn…”

Giọng Robert lạc đi, mãi một lúc sau anh mới kể nốt được câu chuyện, nhưng tôi biết rất rõ chuyện gì đang xảy ra vì tôi đã nghe chúng quá nhiều lần rồi. Tình thân giữa người cha này và con gái – từng có thể coi như là không thể chia lìa – nay đã trở nên quá mỏng manh, mờ nhạt.

Sáu giai đoạn của sự gắn bó
Nhà tâm lý Gordon Neufeld đã dựng lên một mô hình tuyệt vời giúp ta hiểu dễ dàng hơn hành trình phát triển của các mối quan hệ lành mạnh. Ông ấy đã thể hiện sáu giai đoạn của sự gắn bó, sáu giai đoạn này tạo nền tảng cho gần như là mọi mối quan hệ mà con bạn sẽ có, bắt đầu với cha mẹ, và sau đó là với anh chị em, bạn bè và người yêu.

Sự gắn bó là nhu cầu thiết yếu nhất đối với một đứa trẻ, nó còn quan trọng hơn cả thức ăn. Tất cả những nỗ lực hiệu quả nhằm hình thành hành vi của một đứa trẻ đều bắt nguồn từ tình thân thiết an toàn và đảm bảo. Hãy xem nó như là cột mốc cho mọi khía cạnh của việc nuôi dạy con cái, trong đó có cả việc xử lý với hành vi chưa tốt của con, giúp con duy trì phong độ học tập, và luôn là nơi con hướng về mỗi khi con cần lời khuyên răn và ủng hộ.

Cha mẹ thân thiết với con cái thì dễ dạy bảo con hơn. Tình thân thiết khiến cho đứa trẻ tự nhiên muốn làm vui lòng chúng ta, muốn nghe theo lời dạy bảo và hướng dẫn của chúng ta. Khi con thân thiết với chúng ta thì con thích ở bên chúng ta và ở bên chúng ta con cảm thấy bình yên. Chúng ta đã từng có thể chịu đựng được mùi thối tã của chính con mình nhưng phải bịt mũi nhăn mặt khi đó là con của người khác. Tương tự như vậy, tình thân thiết cũng gây ra hiệu ứng tương tự lên con cái khi chúng tương tác với chúng ta. (Khi bạn “không thân thiết” với ai đó – kể cả với con bạn khi chúng còn bé hay đã mười mấy tuổi – bạn có thể còn nhận ra hơi thở của chúng thật là khó chịu, khó chịu hơn nhiều khi bạn thân thiết với con). Tiếp theo đây là một bản tóm tắt ngắn gọn sáu giai đoạn của tình thân thiết gắn bó, sau đó chúng ta sẽ đi sâu vào mỗi giai đoạn.

Giai đoạn sơ khởi nhất và nguyên bản nhất chính là Gần gũi. Thông qua những tiếp xúc, đụng chạm và bế bồng, đứa bé bắt đầu hành trình kết nối với cha mẹ. Đến khoảng 2 tuổi, sự gắn kết này trở nên sâu sắc hơn bởi lúc đó đứa bé đang tìm kiếm Sự tương đồng với cha mẹ nó, đang bắt chước cử chỉ, điệu bộ, cách ăn mặc của cha mẹ, cố làm sao giống Mẹ hoặc Cha. Giai đoạn tiếp theo là Sự thuộc về hoặc sự trung thành. Trong giai đoạn này, chúng ta sẽ thấy đứa trẻ ba tuổi hay gọi mẹ nhấn mạnh sự sở hữu kiểu “Mẹ của con ơi!” Đứa trẻ bốn tuổi muốn được an tâm rằng tình thân với cha mẹ sẽ mãi mãi bền lâu, do đó nó tìm kiếm bằng chứng chứng tỏ Vai trò của nó và nó hiểu rằng Mẹ và Cha (hoặc bất cứ ai đang chăm sóc nó) sẽ duy trì sợi dây thân thiết này với những ai đặc biệt hoặc quý giá đối với họ. Lên năm tuổi, chúng ta sẽ nhận thấy Yêu thương đích thực đã bắt đầu nảy nở khi sợi dây gắn bó và thân thiết này càng trở nên sâu sắc hơn. Và cuối cùng, từ tuổi lên sáu trở đi, nếu sợi dây liên kết này đã bén rễ đủ sâu thì đứa trẻ sẽ cho phép bản thân mạnh dạn bước vào vùng Được hiểu.

Mọi mối quan hệ đều đi theo sáu giai đoạn này: Gần gũi, Tương đồng, Thuộc về/Trung thành, Vai trò, Yêu thương và Được hiểu. Mỗi giai đoạn lại càng củng cố tình thân giữa cha mẹ và con cái. Ngược lại, nếu có bất cứ điều gì trong số giai đoạn này mong manh, hời hợt (ví dụ, nếu đứa trẻ không cảm thấy nó là người đặc biệt với bạn, hoặc không cảm thấy bạn luôn luôn trung thành với nó) thì sợi dây liên kết sẽ trở nên mỏng manh. 

Gần gũi
Khi rủ một đứa trẻ ở bên cạnh bạn là bạn đang củng cố sự Gần gũi rồi đó. Đây chính là cách cơ bản nhất để trở nên gần gũi với con cái bạn – dù lúc đó bạn có vỗ về con, ôm ấp con hay chơi cờ vua với con đi chăng nữa – và thông qua đó con bạn sẽ biết rằng bạn đang muốn gần gũi, kết nối với con. Khi thông điệp này bị mai một – khi bạn tỏ rõ là không muốn ở bên cạnh con (có lẽ vì con đang phá quấy hoặc ương bướng không chịu nghe lời) – bạn đã đe dọa nhu cầu cơ bản nhất của con: được gắn bó bền lâu với bạn.
 
Nếu một đứa trẻ có cảm giác là cha mẹ nó không thích ở bên cạnh nó, thì nó sẽ tìm kiếm sự gần gũi, thân thiết bên bạn bè hơn là bên cha mẹ, nó sẽ nghe theo bạn bè nhiều hơn là nghe lời cha mẹ. Nó khát khao tìm kiếm sự Gần gũi bên bạn bè, nó làm theo bạn bè trong khi cãi lời cha mẹ. Cha mẹ thường cổ vũ con cái thân thiết với bạn bè vì nghĩ rằng con lớn thì phải như vậy. Nhưng chúng ta cần biết rằng xa cách với con cái là việc nguy hiểm, đơn thuần vì giờ đây chúng chỉ muốn giao du với bạn bè.

Mặc dù tôi chẳng phản đối gì chuyện con cái càng lớn càng thích ở bên bạn bè hơn, nhưng tôi tin rằng để cho tình thân thiết giữa cha mẹ và con cái trở nên mờ nhạt đi chỉ vì con không còn cảm thấy cha mẹ chúng thú vị gì nữa thật chẳng phải là điều ích lợi nhất cho bọn trẻ. Trải qua tuổi ấu thơ và niên thiếu, trẻ cần cha mẹ luôn luôn cố gắng là vị cố vấn và quản lý đáng tin cậy khi con lớn lên.

Tương đồng
Khi bạn và con có điểm chung gì đó, dù là sở thích cưỡi ngựa, thích xem một bộ phim hoặc ăn kem Tràng Tiền, thì đó chính là lúc bạn đang củng cố tình gắn kết cha con, mẹ con thông qua sự tương đồng rồi đó. Nhờ cổ vũ, tạo điều kiện cho những việc mà cả hai cùng thích làm hoặc những thứ cả hai cùng quan tâm, bạn đang đan dệt thêm chắc hơn sợi dây kết nối giữa hai người. Khi con bạn có sở thích hoàn toàn khác với của bạn – vì bất cứ lý do gì chăng nữa – thì điều quan trọng là bạn phải tìm hiểu xem có điều gì con mình quan tâm, thích thú mà bạn thấy mình có liên quan ít nhiều đến hay không.

Một đứa trẻ mà cảm thấy chẳng có điểm chung gì với cha mẹ thì sẽ cảm thấy cô đơn khủng khiếp hoặc con sẽ đi tìm kiếm sự Tương đồng ở bạn bè cùng trang lứa. (Và con sẽ vẫn cảm thấy cô đơn, vì bạn bè cùng trang lứa thì liên tục có thể nghỉ chơi nhau). Cô con gái mười hai hoặc mười bốn tuổi mà ăn mặc, nói năng và hành xử như bạn bè thật ra là đang tìm cách kết thân với các bạn thông qua sự Tương đồng. Chúng ta đã quy hết điều đó cho hành vi điển hình của tuổi thiếu niên và tự đẩy mình ra khỏi câu chuyện, trong khi đáng lẽ ra chúng ta phải làm thế nào đó, bằng cách này hay cách khác để con cảm thấy mình tương đồng với cha mẹ.
Rosie đã gửi cho cha một thông điệp là con chẳng muốn ở bên cha chút nào, thay vào đó con dành thời gian giao du với bạn bè hoặc đóng cửa trong phòng. Robert nhận ra là anh đã chấp nhận để mặc con tự rút lui vào chốn cô độc của mình, anh đã tin vào chuyện trẻ thiếu niên thì chẳng có điểm chung gì với cha mẹ. Anh đã lờ đi những gì trực giác mách bảo, anh đã chấp nhận rằng việc Rosie ăn mặc, nói năng, suy nghĩ như bạn bè trong khi đang dần dần ngày càng xa lạ với cha mình là chuyện bình thường.

Sự thuộc về hay Lòng trung thành
Giai đoạn thứ ba, Sự thuộc về hoặc Lòng trung thành, củng cố tình thân nhờ nhấn mạnh cho đứa trẻ biết rằng bạn sẽ luôn luôn bênh vực con, luôn luôn đứng về phía con. Khi bạn đứng lên đấu tranh cho một đứa trẻ, khi bạn “chống lưng” cho con, có thể nói như vậy, là bạn đang đáp ứng nhu cầu của con, nhu cầu được an tâm và con biết rằng con có thể trông cậy vào bạn. 

Một trong những việc đau đớn nhất đối với một đứa trẻ không được bao bọc trong một vòng tay chở che an lành là khi nó nhận ra cha mẹ nó đối đầu, quay mặt với nó chứ không còn là đồng minh của nó. Ví dụ như lúc người mẹ đứng về phía giáo viên khi con gặp chuyện rắc rối ở trường học, hoặc khi người cha – cũng là huấn luyện viên bóng đá của con trai – lại khiển trách con trước mặt mọi đứa trẻ khác vì đã chơi không tốt. 

Khi tình thân thiết ở khía cạnh Thuộc về/Trung thành trở nên xộc xệch, trẻ con phản ứng bằng cách tỏ ra tức tối, giận dữ, cáu kỉnh hoặc thu mình lại hoặc – phổ biến nhất là thể hiện sự trung thành của chúng với bạn bè vì cha mẹ “chẳng hiểu gì con cả”. Nhưng khó khăn ở đây lại là những đứa trẻ khác không thể nào trung thành với chúng vô điều kiện được.

Những thủy thủ thời xưa thường nhìn sao Bắc Cực để tìm hướng đi. Tương tự như vậy trẻ con cũng cần một điểm tựa, một cột mốc đáng tin cậy từ cha mẹ biết yêu thương chúng, một tình yêu thương không bao giờ dao động. Bạn bè đơn giản không thể nào là sao Bắc cực cho con được; chỉ có duy nhất một điều không thay đổi ở bạn bè là chúng như mọi vì sao khác, lang thang khắp bầu trời.

Rosie đã đắm chìm vào tâm trạng buồn phiền khi nhận ra bạn bè không thể cho con một điểm tựa vững vàng an toàn, không khuyến khích động viên con khi con cần.

Vai trò
Giai đoạn thứ tư của tình thân thiết là Vai trò. Người ta có thể tính tuổi của cây bằng cách đo chiều sâu của rễ, tương tự như vậy, đây chính là giai đoạn để tình thân thiết được đâm rễ thật sâu và hi vọng là có thể giúp con cảm giác có cha mẹ che chở, bảo bọc con ngay cả khi họ không ở gần đó. Khi những lời nói và hành động của cha mẹ khiến cho con cảm giác không một chút hoài nghi rằng cha mẹ rất nâng niu, quan tâm chăm sóc con, coi con là độc nhất vô nhị, thì con sẽ cảm thấy gắn bó với cha mẹ, sẽ biết mình là viên ngọc quý giá của cha mẹ.

Khi đứa trẻ không có cảm giác mình là người đặc biệt và quan trọng với cha mẹ - là cóc ghẻ hay gì đó – thì con bé sẽ tìm kiếm Vai trò của nó ở bạn bè. (Hãy nhớ lại bài hát nổi tiếng “I love you just the way you are” – Anh yêu em vì chính con người em – của Billy Joel? Chúng ta yêu thích bài hát đó vì nó đã nói lên khát khao cơ bản của chúng ta, nhu cầu được yêu thương vì chính bản thân con người chúng ta.)

Rosie thích dành thời gian trên trang Facebook của mình vì thông qua đó cô bé được tắm mình trong một cảm giác giả tạo rằng mình là người đặc biệt và quan trọng với nhiều người
khác. Những kiểu trang web dạng này khiến cho trẻ say sưa với ảo tưởng mình là người quan trọng vì có hàng tá người – thậm chí là hàng trăm hoặc hàng nghìn người – (hầu hết là những người chúng sẽ chẳng bao giờ thực sự biết) muốn trở thành “bạn bè” của chúng. Nhưng đây là một kiểu ảo ảnh của Vai trò. Suy cho cùng, chỉ khi những giai đoạn gắn bó khác – Gần gũi,
Tương đồng, Thuộc về/Trung thành – không bị tổn thương gì thì người ta mới thực sự biết mình có đặc biệt với người khác hay không. Robert đã nhận ra nỗi cô độc ngày càng khiến Rosie đã ưu phiền lại ngày càng trở nên ưu phiền hơn nữa, dù cả khi đang là trung tâm sự chú ý trên thế giới mạng.

Yêu thương
Giai đoạn thứ năm sâu sắc hơn, đơn giản là Yêu thương. Yêu thương là nguồn dinh dưỡng nuôi nấngchúng ta trong bước đường tiến vào đời. Tình yêu thương ấp ủ của cha mẹ là
thành trì vững chãi cho đứa trẻ khi chúng bước chân vào hành trình của một kiếp người. Khi bạn có thể bước vào căn phòng trẻ đang ngồi và chỉ cần cười hoặc xoa đầu bé thôi, trong khi
cố đừng vội hỏi con đã cho chó ăn hay chưa hay đã làm bài tập xong chưa, là lúc ấy bạn đã tiếp thêm cho con một Suất Yêu thương của Cha mẹ, mà nó sẽ dưỡng dục con từ nay đến suốt
đời. Khi một đứa trẻ không cảm thấy tình yêu thương nguyên sơ, đơn thuần ấy từ cha mẹ, thì con bé sẽ tìm kiếm nơi bạn bè. Và lại một lần nữa, tình yêu thương của các bạn đồng trang lứa về cơ bản là chẳng được bền lâu.

Được hiểu
Giai đoạn cuối cùng và cũng là sâu sắc nhất của tình thân thiết là Được hiểu. Nếu – NẾU - tình thân thiết gắn bó đã lớn mạnh được đến giai đoạn này thì con bạn hẳn là đang cởi mở với bạn, muốn bạn biết đến thế giới nội tâm của con, và thổ lộ với bạn nhiều bí mật thầm kín. Đứa trẻ nào mà thân thiết sâu sắc với cha mẹ thì đứa trẻ đó muốn thổ lộ với họ, ngay cả khi sau đó cậu bé nhận ra mình nói rằng: “Thôi chết! Con đã hứa với bạn con là sẽ không nói với ai cả!” Điều đó không có nghĩa là một cậu trai 17 tuổi kể cho bạn nghe mọi chi tiết về người cậu thầm thương trộm nhớ gần đây nhất (hoặc là bạn muốn biết!) nhưng cậu sẽ coi trọng những quan điểm và lời khuyên của cha mẹ khi cậu cảm thấy bối rối và cần ai đó gỡ rối trong một tình huống khó khăn.

Khi chúng ta không đạt được sự gắn bó thân thiết tới mức này – có nghĩa là chúng ta đã chưa thể hiện khao khát được Gần gũi, Tương đồng, Trung thành, Vai trò và Yêu thương của mình – thì con cái chúng ta sẽ không nói với ta chuyện gì đang thực sự diễn ra trong cuộc sống của mình. Con hẳn sẽ rất cô đơn và cô độc, có thể con xa lánh mọi người hoặc thông thường hơn là chỉ chia sẻ bí mật của mình với bạn bè. Bạn hẳn đã đoán ra điều này rồi.

Sau nhiều tháng thổ lộ tâm sự với bạn bè, Rosie đã phát hiện ra mối liên kết của mình với bạn bè mới hời hợt làm sao và các bạn không thể giúp gì được cho cô bé trong những lúc khó khăn hàng ngày. Nỗi cô đơn của cô bé xui khiến cô bé tìm kiếm ráo riết hơn những sự kết nối ảo trên Facebook. Thật may, cha cô đã tìm cách giúp đỡ kịp lúc và bắt đầu khôi phục lại tình thân thiết với cô con gái dấu yêu của mình, nhờ đó mà cha cô đã có thể giúp cô thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực. 

Mọi mối quan hệ đều đi theo trình tự này 
Mọi mối quan đều sẽ phát triển theo con đường mà tình thân gắn bó đã phát triển, dù đó là mối quan hệ cha mẹ - con cái, tình bạn hay tình luyến ái. Chúng ta bắt đầu một mối quan hệ mới với mong muốn được ở cùng người khác: Gần gũi. Tiếp theo chúng ta phát hiện ra rằng chúng ta có nhiều điểm chung như quan điểm sống và những sở thích: Tương đồng. Khi mối quan hệ đã tiến triển, nhất định sẽ nảy sinh nhiều tình huống mà người kia sẽ làm gì đó để giúp đỡ chúng ta, thể hiện cho chúng ta thấy họ đang đứng về phía chúng ta: Thuộc về/Trung thành. Nếu sự kết nối của chúng ta trở nên sâu sắc hơn, thì bạn ta sẽ cho ta biết rằng chúng ta – và tình bạn của chúng ta – là vô cùng đặc biệt với họ: Vai trò. Tiến sâu hơn nữa, chúng ta sẽ có biểu hiện của tình yêu thương, dù đó là yêu thương của một tình bạn bền vững hay tình yêu thương theo lối luyến ái: Yêu thương. (Xin được nói thêm rằng, đó là lý do tại sao nhiều mối tình sét đánh không kéo dài lâu vì như ban đầu ta tưởng; nhảy ngay vào Tình yêu hoặc Được hiểu mà không trải qua những giai đoạn trước thì sẽ chỉ tạo ra một mối quan hệ thiếu nền tảng vững chắc. Và khi chúng ta nhìn những người thực sự gần gũi, gắn bó sâu sắc với chúng ta, chúng ta sẽ thấy là họ đã để chúng ta hiểu họ, biết họ: Được hiểu. Tất nhiên, tất cả những điều này phải xảy ra với cả hai người trong một mối quan hệ nếu đó là một sự kết nối cân bằng và lành mạnh.

Lời khen tặng cuốn sách

Susan Avery, tạp chí More

“Chắc hẳn phải can đảm lắm mới dám đặt tựa đề sách là Nuôi con bằng trái tim tỉnh thức. Không những thế có lẽ nó còn khiến nhiều bậc cha mẹ bất ngờ. Tuy nhiên, Susan đã rất nghiêm túc về chuyện này và cô ấy đã chỉ cách cho chúng ta. Mỗi trang sách đều đong đầy những điều thông thái và những chiến lược hiệu quả. Phụ huynh nào cũng nên đọc cuốn này.”
- Harville Hendrix, tiến sĩ, giáo sư, tác giả cuốn Giving the love that heals: a guide for parent

“Nếu từng có ai đó thật sự thay đổi cuộc sống của gia đình nào đó thì người ấy chính là Susan Stiffelman. Cuốn sách đã trình bày rõ ràng, mạch lạc những phương pháp hiệu quả để dễ dàng tạo ra không khí hòa thuận hiếu thảo giữa cha mẹ và con cái.”

Harville Hendrix, tiến sĩ, giáo sư, tác giả cuốn Giving the love that heals: a guide for parent

“Chắc hẳn phải can đảm lắm mới dám đặt tựa đề sách là Nuôi con bằng trái tim tỉnh thức. Không những thế có lẽ nó còn khiến nhiều bậc cha mẹ bất ngờ. Tuy nhiên, Susan đã rất nghiêm túc về chuyện này và cô ấy đã chỉ cách cho chúng ta. Mỗi trang sách đều đong đầy những điều thông thái và những chiến lược hiệu quả. Phụ huynh nào cũng nên đọc cuốn này.”

Tiến sĩ Michael Bernard Beckwith, nhà sáng lập trung tâm tâm linh Agape International Spiritual Center

“Nuôi con bằng trái tim tỉnh thức đã đem đến cho những bậc làm cha làm mẹ nhiều cách thông minh và sáng tạo để khéo léo hỗ trợ con cái phát triển tài năng và thiên bẩm độc đáo của mình sao cho cả hai bên đều được sống trong một mối quan hệ phong phú và mãn nguyện cả đời.”

 Laurie David, tác giả cuốn The family dinner và đồng sản xuất bộ phim An inconvenient truth

“Susan là một trong những nhà trị liệu gia đình tài năng nhất và uyên bác nhất mà tôi từng được gặp và tôi chỉ tiếc nuối duy nhất một điều là đã không biết cô sớm hơn! Tôi nhiệt thành khuyên bạn nên đọc cuốn Nuôi con bằng trái tim tỉnh thức. Đây là cuốn gối đầu giường về nuôi dạy con cái của gia đình tôi!”

John Gray, tác giả cuốn Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim

“Susan Stiffelman có một trái tim và tâm hồn đong đầy tình thương yêu vô bờ bến nhưng cô cũng rất tỉnh táo bám chắc vào nền tảng tri thức và hiểu biết. Cô khiến cho việc nuôi dạy con cái trở nên dễ dàng hơn nhờ cung cấp rất nhiều tri thức và hướng dẫn cho các bậc làm cha làm mẹ, để từ đó họ có thể gắn bó sâu sắc với con cái mình.”

Jack Kornfield, tác giả của A Path with Heart

“Đây chính xác là lời khuyên và sự hỗ trợ vô cùng cần thiết đối với bạn khi trở thành cha mẹ! Đầy trải nghiệm, trí tuệ và thực tiễn, cuốn sách Hiện Diện Bên Con giúp các bậc cha mẹ có thể chăm sóc bản thân cũng như con cái của họ bằng lòng trắc ẩn, tình yêu thương và sự chánh niệm.”

Tim Ryan, Chính khách của Mỹ và là tác giả của A Mindful Nation

“Hiện Diện Bên Con như một lời nhắc nhở dịu dàng nhưng mạnh mẽ rằng nhận biết của chính chúng ta, sự bình tĩnh của chính chúng ta và khả năng phản ứng cũng như không phản ứng của chính chúng ta trước các tình huống căng thẳng chính là nền tảng để nuôi dạy những đứa trẻ khỏe mạnh. . . . Đây là một tác phẩm quan trọng và cần thiết.”

Nhận xét về cuốn sách

Eckhart Tolle, tác giả sách Sức Mạnh Của Hiện Tại

“Cuốn sách chỉ cho các bậc cha mẹ cách để chuyển hóa hành trình làm mẹ trở thành một thực hành tinh thần”

Trích đoạn sách hay

MỤC LỤC:
Chương 1: Bạn đang sống với vị thầy tuyệt vời nhất
Chương 2: Cha mẹ lớn lên trong quá trình nuôi dạy con
Chương 3: Vứt bỏ những ảo tưởng về con
Chương 4: Không phải là quá trình nuôi con lớn khôn, mà đó là quá trình nuôi dưỡng sự trưởng thành của cha mẹ
Chương 5: Nêu gương về Yêu chính mình và Nhận biết
Chương 6: Giao tiếp lành mạnh và Tăng cường kết nối
Chương 7: Dẫn dắt cuộc trò chuyện
Chương 8: Nuôi dưỡng sự đồng cảm, tính nhạy cảm và lòng trắc ẩn
Chương 9: Giúp con đối mặt với căng thẳng
Chương 10: Hạnh phúc có sẵn ở trong bạn
Chương 11: Hướng dẫn thực hành: Chiến thuật và Chiến lược
-----------------------
Sau đây là một ví dụ. Cô con gái 13 tuổi hỏi mẹ rằng, liệu con có thể đi dự một bữa tiệc cùng một chị hàng xóm không (người chị này là người không được đánh giá cao trong những hoạt động kiểu này).
Mẹ: “Con yêu, mẹ biết con muốn đi, nhưng thật không may, mẹ không cảm thấy đó là một ý kiến hay.”
Con gái: “Cho phép con đi mà? Con hứa là sẽ không có chuyện gì xấu xảy ra đâu ạ.”
Mẹ: “Ôi, con yêu. Mẹ biết điều đó có vẻ không công bằng, và mẹ biết con muốn đi như thế nào, nhưng mẹ e là không được.”
Ở đây, người mẹ là thuyền trưởng, đã thể hiện sự đồng cảm và ân cần trong khi vẫn dứt khoát và rõ ràng. Tùy thuộc vào mức độ quen thuộc của con với việc bạn từ chối những mong muốn của chúng, con có thể cố gắng tiếp tục thu hút bạn vào các kiểu tương tác khác.
Khi cha mẹ tham gia vào các cuộc tranh luận, giành phần đúng với con cái, thì không ai là người chịu trách nhiệm ở đây cả. Tôi gọi kiểu quan hệ đó là kiểu quan hệ Tranh biện. Con cái chống lại cha mẹ và cha mẹ chống lại con cái, mối quan hệ này đầy sự căng thẳng và phẫn uất. Dưới đây là một ví dụ:
Con gái: “Mẹ, mẹ coi con như một đứa trẻ hai tuổi. Mẹ không bao giờ tin tưởng con hết!”
Mẹ: “Con chẳng bao giờ hài lòng trừ khi con đạt được những gì con muốn! Chị Carey chưa trưởng thành và mẹ không thể tin chị ấy có thể để mắt đến con. Chị ấy còn chưa lo được cho bản thân chị ấy! Trên thực tế, năm ngoái mẹ đã nghe nói là chị ấy...” Người mẹ lập luận cho quan điểm của mình, và người con cũng biện luận ngược lại ngay tức thì.
Con gái: “Chuyện đó rất không đúng! Chị ấy bị quy kết là đã hút thuốc trong phòng tắm ở trường, nhưng mẹ biết không chị ấy thậm chí còn chưa từng cầm điếu thuốc bao giờ! Chị ấy chỉ tình cờ có mặt ở đó khi mấy đứa con gái khác đang hút thuốc mà thôi!”
Những cách tương tác của nhóm cha mẹ kiểu này được đặc trưng bởi sự đối đầu, tranh cãi và thỏa hiệp.
Cuối cùng, khi đứa trẻ thể hiện sự áp đảo, cha mẹ sẽ cảm thấy mất kiểm soát và thậm chí hoảng sợ, đặc biệt nếu họ cho rằng người khác đang đánh giá vì họ đã không biết dạy bảo con cái. Họ cố gắng khôi phục trật tự và quyền kiểm soát bằng cách chế ngự con cái với những lời đe dọa, hứa hẹn hoặc đưa ra tối hậu thư, tương tự như cách hành xử của các bạo chúa. Theo đó cha mẹ khẳng định quyền kiểm soát dựa trên sự sợ hãi và đe dọa và tất nhiên họ sẽ không nhận được sự cảm phục từ con cái. Tôi gọi họ là kiểu cha mẹ Độc đoán. Đây là một ví dụ:
Con gái: “Tại sao mẹ không thể chấp nhận rằng con đã không còn là đứa bé lên ba nữa. Tại sao mẹ không sống cuộc đời của mẹ, mẹ có thể thôi tìm cách kiểm soát cuộc sống của con được không?”
Mẹ: “Con nói vậy à. Con không bao giờ biết trân trọng những gì bố mẹ làm cho con. Mẹ làm việc chăm chỉ để kiếm tiền mua thức ăn, còn con chỉ việc ngồi ăn, con thậm chí không bao giờ nói lời cảm ơn. Con đừng hòng ra khỏi cái nhà này!”
Chúng ta thấy đó, tình hình này nhanh chóng xấu đi, với việc người mẹ nhanh chóng mất đi vị thế – chuyển từ thuyền trưởng sang thế Tranh biện và cuối cùng là chuyển sang cơ chế Độc đoán.
Để duy trì cơ chế thuyền trưởng, chúng ta phải thư thái đặt ra các giới hạn để có thể làm cha mẹ một cách tử tế, rõ ràng và tự tin.
...
Đặt ra giới hạn - Tạo dựng sự kết nối thực sự
Tôi bắt đầu quan tâm đến việc khám phá xem Henry là đứa trẻ như thế nào. Khi chúng tôi trò chuyện, cậu ngập ngừng mở lời, cậu kể về niềm yêu thích khi vẽ những bức tranh và ước mơ được thiết kế trò chơi điện tử. Khi cậu tỏ ra có sự lơ đãng trong cuộc trò chuyện vì còn mải để tâm đến đồ chơi điện tử bên cạnh, tôi đã đề nghị cậu đưa đồ chơi cho tôi một cách thân thiện, tôi giải thích rằng nó có vẻ như đang chiếm quá nhiều sự chú ý của cậu. Tôi đặt món đồ lên kệ trong văn phòng tôi, và nó vẫn nằm trên đó trong nhiều tháng, với mức độ chấp nhận đáng ngạc nhiên của cậu.
Henry và tôi bắt đầu tạo dựng một mối liên hệ thực sự. Tôi kiên định với lòng tốt và sự quan tâm của mình, cậu bé dần dần tin tưởng rằng tôi là đồng minh của cậu. Giờ đây phần việc khó khăn hơn lại là các buổi tư vấn và hướng dẫn bố mẹ cậu, những gì chúng tôi đã thống nhất trong các buổi làm việc cùng nhau. Hết lần này đến lần khác, họ sử dụng logic, dụ dỗ hoặc đe dọa để buộc con trai làm theo ý mình. Có vẻ như họ đã đầu tư nhiều hơn vào việc tôi sẽ thay đổi con trai của họ để cậu bé sẽ làm theo những gì họ yêu cầu, chứ không phải là để cải thiện chất lượng mối quan hệ của họ với con trai.
Vào một buổi tối, điện thoại của tôi đổ chuông. Đó là Bradley, anh gọi cho tôi từ bãi đậu xe của một nhà hàng, trong trạng thái bấn loạn. Thì ra, Henry đã nổi cơn giận dữ trong nhà hàng và chạy trốn ra bãi đậu xe để tránh mặt cha mẹ. Bradley và Melissa đã cố gắng mọi cách nhưng không thể gọi được con trai lên xe để về nhà. “Chị sẽ nói chuyện với Henry chứ? Chị làm ơn thuyết phục thằng bé lên xe được chứ?” Bradley cầu xin tôi.
Đó là một đề nghị bất thường, nhưng tôi đồng ý, không biết tôi sẽ đối mặt với điều gì. Nhưng mọi chuyện lại diễn ra như thế này: Bradley đến đủ gần Henry để nói với cậu rằng Susan đang nghe điện thoại và cô muốn nói chuyện với con. Henry nhận lấy máy ngay tức thì. Tôi chỉ nói đơn giản, “Con yêu, đã đến lúc lên xe rồi.”
“Vâng ạ.”
Tất cả chỉ có vậy, và cậu trả lại điện thoại cho bố rồi lên xe.
Tôi đã làm điều gì mà bố mẹ Henry đã không thể làm được? Tôi có quyền lực gì đối với Henry mà khiến cậu bé đồng ý? Không có quyền lực gì cả. Nhưng tôi có hai điều: Đầu tiên là sự kết nối đáng tin cậy, Henry biết tôi tôn trọng cậu và tôi có vị thế phù hợp để làm thuyền trưởng của con tàu trong mối quan hệ với cậu. Thứ hai là, tôi không sợ mất lòng Henry, tôi cũng không thông qua mối quan hệ với cậu để củng cố cảm nhận về giá trị của bản thân tôi. Nhưng tôi đã chứng minh rằng tôi thực sự quan tâm đến cậu, và Henry biết rõ rằng tôi đứng về phía cậu. 
Bằng cách nào tôi đã làm được những điều này? Bằng cách lắng nghe Henry với sự hiện diện đầy đủ, chấp nhận cậu như đúng con người cậu. Cậu biết rằng tôi nhận ra sự hài hước và thú vị nơi cậu. Cậu cũng biết rằng tôi không có động cơ gì đằng sau; Tôi thực sự không cần bất cứ thứ gì từ cậu. Vì vậy, cậu đã phản ứng tích cực với đề nghị của tôi, như chúng ta cũng thường đáp ứng lại với những người mà chúng ta yêu thích.
....

Mô hình hành vi nhất quán
Cách bạn làm một việc bất kỳ chính là cách bạn làm tất cả mọi thứ. Đây là một khái niệm vô cùng quan trọng trong cuộc sống của tôi, một khái niệm đã ảnh hưởng đến tôi cả về mặt cá nhân lẫn nghề nghiệp.
Tôi nhớ ở độ tuổi lên mười, con trai tôi hỏi tại sao tôi lại cư xử thô lỗ với một người nhân viên tiếp thị khi họ gọi điện chào hàng giữa lúc tôi đang dùng bữa tối. “Liệu mẹ có hành động như vậy nếu chú ấy ngồi trước mặt mẹ không?” con trai tôi hỏi. “Không, con yêu... tất nhiên là không rồi.” tôi trả lời.
Có câu nói rằng con cái luôn đặt cha mẹ ở những tiêu chuẩn cao, đó không phải là câu nói đùa. Trẻ thấy những thứ tốt nhất và tệ nhất của cha mẹ; mọi thứ cha mẹ làm đều để lại ấn tượng với chúng. Cách chúng ta nói chuyện với nhân viên tiếp thị qua điện thoại hoặc thực hiện lời hứa giúp đỡ một dự án khoa học đều được con cái chúng ta ghi nhận. Chúng ta có thể lỡ cư xử một cách không phù hợp, hoặc nhận ra ta không có thời gian để giúp đỡ như đã hứa với một dự án khoa học. Không sao đâu; chúng ta là con người, và chắc chắn sẽ còn thiếu sót so với những mong muốn hoàn thiện của mình.
Nhưng khi chúng ta cư xử không đúng với những gì chúng ta đã rao giảng cho con cái, chúng ta cần phải chịu trách nhiệm. “Bố/mẹ muốn dành thời gian để giúp con về dự án khoa học đó, và bố/mẹ biết rằng bố/mẹ đang làm con thất vọng.” Hoặc, trong trường hợp của con trai tôi và nhân viên tiếp thị qua điện thoại, “Mẹ có thể nói với con lý do tại sao mẹ lại nặng lời với người đó, nhưng con nói đúng, mẹ không nên trả lời họ như vậy.”
Tuân thủ quan điểm rằng cách chúng ta làm việc bất kỳ chính là cách chúng ta làm tất cả mọi thứ có thể là một gánh nặng thực sự. Chúng ta phải sẵn sàng tha thứ cho bản thân – thường là thế. Nhưng bằng cách thể hiện tính nhất quán trong tính cách của mình, chúng ta tự khẳng định mình là một ngôi sao Bắc Đẩu dẫn hướng đáng tin cậy, xứng đáng là điểm tham chiếu cho con cái để chúng có thể điều hướng cuộc sống một cách lành mạnh và chính trực.

Xin lỗi
Trong cuộc đời làm mẹ của mình, tôi nhận ra rằng mặc dù không cần phải hoàn hảo, nhưng tôi phải học cách chịu trách nhiệm về những lời nói hay hành động không đang có vì sự mất bình tĩnh của mình gây ra. Tôi đã phải học cách xin lỗi.
Đây là một quá trình khó khăn bởi vì “cái tôi” của chúng ta tạo ra nhiều chiến lược để biện minh cho những thiếu sót. Tôi đã lớn lên trong một môi trường coi trọng việc Là Người Đúng hơn là thừa nhận những thiếu sót của bản thân, và tôi được đào tạo về nghệ thuật bảo vệ bản thân, có kỹ năng Biện minh, Hợp lý hóa và Đổ lỗi cho người khác.
Bạn còn nhớ khi tôi đã nói rằng, con cái có thể là vị thầy vĩ đại nhất của cha mẹ không? Chính con trai tôi là người đã cho tôi cơ hội để khám phá ra rằng tôi có thể đi vào bên trong, trải nghiệm những ân sủng và phúc lạc giữa sự bất toàn. Tôi có thể nhận ra những sai lầm của mình. Đó là một quá trình chậm rãi nhưng thật là nhẹ nhàng! Cùng với đó là một lợi ích to lớn: Tôi đang nuôi dạy một chàng trai trẻ biết xin lỗi khi làm sai và biết coi trọng sự yêu thương hơn việc giành phần đúng về mình.
Tôi đã học được những bài học quan trọng về lời xin lỗi. Trước tiên cần phải thành thật; tôi không hào hứng với việc bắt trẻ phải miễn cưỡng lẩm bẩm nói “Con xin lỗi” sau khi chúng đã làm tổn thương thân thể hay tình cảm của ai đó. Trên thực tế, một lời xin lỗi không chân thành dạy trẻ rằng, có trở thành một kẻ phá bĩnh cũng không sao cả, miễn là chúng lẩm bẩm hai từ nhỏ “xin lỗi” đó là được. Điều cần thiết phải là: con cái chúng ta chỉ nên đưa ra lời xin lỗi sau khi chúng thực sự cảm thấy hối hận. Điều này không thể xảy ra trong bối cảnh trẻ đang xấu hổ vì bị phê bình. Khi cha mẹ chế nhạo con cái vì đã làm điều sai trái, cơ chế tự bảo vệ của trẻ sẽ kích hoạt, khiến trẻ khó thừa nhận bất kỳ hành vi sai trái nào. Thay vào đó, chúng ta phải nhẹ nhàng giúp con cái tiếp xúc với trái tim bị tổn thương của người khác để chúng có thể nhận ra tác động tiêu cực từ hành vi không đẹp của mình. Chỉ khi đó, chúng mới có thể nói lời xin lỗi chân thành hoặc thực hiện một số cử chỉ đền đáp thể hiện sự hối lỗi.
Tóm lại, đây là bốn bước để đưa ra lời xin lỗi:
1. “Tôi xin lỗi,” được nói từ trái tim và không có bất kỳ sự giải thích nào, vì điều này có thể được coi là một nỗ lực để biện minh hoặc bảo vệ hành vi khiếm khuyết của mình.
2. “Tôi nhận ra bạn đang cảm thấy _______,” cho thấy rằng bạn đã đặt mình vào vị trí của người kia với sự đồng cảm và quan tâm.
3. “Trong tương lai...” Đây là lúc bạn công bố ý định làm tốt hơn, nói rõ rằng hành vi gây tổn thương của bạn không phải là điều bạn muốn lặp lại.
4. “Có điều gì bạn cần ở tôi không?” Bạn đang mời người kia chia sẻ bất cứ điều gì có thể đang ngăn cản họ tha thứ cho bạn.
Thay vì bênh vực bản thân hoặc đổ lỗi cho người khác khi mắc lỗi, chúng ta nên thừa nhận những sai lầm của mình, điều đó mang lại cho chúng ta cảm giác tự do lớn lao. Khi không dằn vặt bản thân về những thiếu sót thi thoảng mình mắc phải, chúng ta có thể chấp nhận bản thân với lòng bao dung lớn hơn. Lời xin lỗi sẽ phát sinh dễ dàng hơn, và trớ trêu thay, gạt bỏ sự phòng thủ sang một bên lại cho phép chúng ta đồng cảm và chân thành hơn.
Việc nuôi dạy con cái giúp cha mẹ đối mặt với khiếm khuyết của bản thân và chịu trách nhiệm về hành động của mình, chứ không phải để nuôi dưỡng niềm kiêu hãnh và cái tôi ích kỷ. Qua đó chúng ta sẽ nuôi dạy những đứa trẻ biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình và hiểu được tầm quan trọng của việc sống liêm chính.

Hiện diện bên con

 Myla và Jon Kabat-Zinn, tác giả của sách Everyday Blessings: The Inner Work of Mindful Parenting

“Cuốn cẩm nang hướng dẫn làm cha mẹ sâu sắc và đầy thực tiễn này được viết với ngôn từ dịu dàng đầy thấu cảm, giúp các bậc phụ huynh có thể làm cha mẹ với nhận thức đúng đắn. Bạn có thể cảm nhận được tình yêu mà tác giả Susan Stiffelman dành cho những gia đình mà cô ấy làm việc cùng trong quá trình thực hành trị liệu của mình, và sự tin tưởng của cô ấy đối với tất cả chúng ta để vượt qua được những thử thách và đón nhận món quà của việc trở thành cha mẹ.”

đặt mua những ẤN PHẨM khác của sách thiện tri thức

đặt mua những ẤN PHẨM khác của sách thiện tri thức

MUA NGAY

©2023 Bản quyền thuộc về Sách Thiện Tri Thức

CÔNG TY XUẤT BẢN SÁCH THIỆN TRI THỨC

Địa chỉ: Số 141, ngõ 325 Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Hotline: + 84328 033 988

Email: contact@thientrithuc.com.vn

Website: http://thientrithuc.com.vn

HỆ THỐNG PHÁT HÀNH