Nhà văn, nhà giáo Bửu Ý, tên đầy đủ là Nguyễn Phước Bửu Ý.
Sinh năm 1937 tại Thừa Thiên Huế.
Ông tham gia các hoạt động giảng dạy và dịch thuật ở miền Nam từ trước 1975 tới nay, chủ yếu dịch các tác phẩm tiếng Pháp.
Năm 2015, Đại sứ Cộng hoà Pháp tại Việt Nam đã tổ chức trao Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Bộ trưởng Bộ giáo dục quốc dân Pháp cho giáo sư, nhà văn, dịch giả Bửu Ý.
“Cái gì người ta có thể đùa, nhưng với mình, có một cái không đùa được, đó là viết văn” - Bửu Ý.
Đây là cuốn sách của nhà văn, dịch giả Bửu Ý, viết về Bùi Giáng, một giọng thơ vô tiền khoáng hậu của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Dù viết bao nhiêu về Bùi Giáng, có lẽ cũng là không chính xác hoàn toàn vì ông đã trở thành một hiện tượng, một tượng đài ngôn ngữ, vậy mà qua ngòi bút của Bửu Ý, chúng ta không chỉ thấy Bùi Giáng mà còn thấy cả hơi thở, không khí thời đại mà hai người đã dự phần vào…
Và đây là Bùi Giáng tự vẽ chân dung của mình:
Hỡi người ngợm hỡi đười ươi
Hỡi thằng Sáu Giáng buồn vui thế nào
Vui nhiều buồn ít thế sao
Buồn nhiều vui ít tiêu hao cõi miền
Miền xiêu lệch, cõi ngửa nghiêng
Lầm than diện hậu diện tiền soi gương
Chiêm bao đổi chán thay chường
Tập thành mộng mị cuối đường thành thân
Còn đây là nhận xét của Bửu Ý về thơ Bùi Giáng:
Thơ của Bùi Giáng là “tái tân thanh” mở ra một kỷ nguyên mới. Sẽ có chăng trong tương lai những tiếng thơ đồng điệu? Hay ngược lại sẽ chịu phận lẻ loi?
Thử tưởng tượng bạn quẳng đến cho Bùi Giáng một bó câu, hay trời cao mưa móc xuống một hộc chữ cái, hay nàng thơ cung tặng sa số vần điệu, Bùi Giáng từ đó sẽ sắp xếp lại thành thơ, những câu thơ không ai ngờ, những vần điệu đầy tung hứng.
Mời bạn khám phá cõi thơ của Bùi Giáng, qua những nét vẽ bằng ngôn ngữ của Bửu Ý.
Bùi Giáng sinh ngày 17.12.1926 (tức là cung Sagittaire, Nhân Mã, theo chiêm tinh Tây phương) tại làng Thanh Châu, xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
✿ 1928. Mới hai tuổi, bị té bể trán, vết sẹo còn mãi.
✿ 1933. Bắt đầu đi học abc.
✿ 1936. Học trường tiểu học Bảo An (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam)
✿ 1939. Ra Huế học trung học ở trường Thuận Hoá (ở đường ngày nay mang tên Trần Quang Khải).
Bùi Giáng mê truyện Kiều, mê thơ Huy Cận, và đột nhiên bỏ học, mà lý do, theo thi sĩ, là bị “chấn động dị thường” do tập thơ “Lửa Thiêng” của Huy Cận, trở về quê chăn dê và đọc sách.
✿ 1940. Về Quảng Nam chăn dê.
✿ 1941 - 1945. Trở ra Huế vì nhớ nhung gái Huế.
✿ 1945. Nhật đảo chính. Theo Đặng Tiến, Bùi Giáng ra Huế, học trường tư thục Thuận Hoá. Ông đỗ bằng Thành chung, thường gọi là Diplôme, sau khi thi hỏng năm trước, và ở lại lớp Tứ niên C.
✿ 1949. Nhập ngũ bộ đội Công binh. Hai năm giải ngũ.
✿ 1950. Đỗ tú tài toàn phần văn chương và ra Liên khu bốn để theo học đại học nhưng khi nghe Hiệu trưởng đọc diễn văn khai giảng, ông bỏ về quê, “đọc sách chăn dê”.
✿ 1950 - 1952. Trở về chăn dê từ 1950 đến 1952 trên vùng rừng núi Trung Phước.
✿ 1952. Bùi Giáng vào Sài Gòn. Dạy Pháp Văn và Việt văn tại trường Tân Thanh, Tân Thịnh, Vương Gia Cần...
✿ 1957 - 1960. Từ năm này, viết sách giáo khoa luận đề văn chương do Nhà xuất bản Tân Việt phát hành:
Giảng luận về Kiều
Giảng luận về Chu Mạnh Trinh
Giảng luận về Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị Giảng luận về Lục Vân Tiên
Giảng luận về Chinh Phụ Ngâm
Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
✿ 1960. In tác phẩm Tư Tưởng Hiện Đại, trong đó viết về Gabriel Marcel, Karl Japers, Albert Camus, Simone Weil, Paul Claudel, Saint - Exupéry, Jean - Paul Sartre, André Malraux. Theo Đặng Tiến, dường như thời gian này Bùi Giáng mới bắt đầu học tiếng Đức, bắt đầu đọc Heidegger.
✿ 1962. Tập thơ đầu tiên Mưa nguồn ra đời, nhưng trong đó có bài làm từ 1950, thời chăn dê.
✿ 1963. Cho in tác phẩm Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại. Một loạt bốn thi phẩm:
Lá Hoa Cồn
Ngàn Thu Rớt Hột
Màu Hoa Trên Ngàn
Sa Mạc Trường Ca
✿ 1965. In vội vàng Sa Mạc Phát Tiết (Nhà xuất bản An Tiêm).
Chiến tranh leo thang. Cùng với nhóm trí thức của Đại học Vạn Hạnh như Thượng toạ Thích Nhất Hạnh, Hồ Hữu Tường, Phạm Công Thiện, Tam Ích... Bùi Giáng tham gia kêu gọi hoà bình và xuất bản một tập sách nhan đề là Dialogue (Đối Thoại) bằng tiếng Pháp và tiếng Anh dưới hình thức những lá thư gửi đến một số yếu nhân trên thế giới.
✿ 1966 - 1969. Dịch nhiều sách của nhiều tác giả:
Khung Cửa Hẹp (André Gide)
Kẻ Vô Luân (André Gide)
Trăng Tỳ Hải (Shakespeare)
Ngộ Nhận (Albert Camus)
Hoàng Tử Bé (Saint - Exupéry)
Cõi Người Ta (Saint - Exupéry)
Nhà sư vướng luỵ (Tô Mạn Thù)
✿ 1969. Thi Ca Tư Tưởng (Nhà xuất bản Ca Dao) về Nguyễn Du, Huy Cận, Xuân Diệu, Lý Bạch, Shakespeare, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, Albert Camus, Martin Heidegger, Nietzsche.
Nhà cháy, sách cháy, mất trụi bản thảo.
Bắt đầu điên rực rỡ.
✿ 1970. Bùi Giáng được các bác sĩ Bệnh viện tâm thần Biên Hoà cho xuất viện. Lang thang Lục Tỉnh, Châu Đốc, Long Xuyên. In các sách:
Biển Đông Xe Cát
Mùa Thu Trong Thi Ca
✿ 1971. Ngày Tháng Ngao Du
Bùi Giáng bắt đầu đi vung tay, chỉ đường.
✿ 1972. Ra các tập sách:
Đường Đi Trong Rừng
Lời Cố Quận
Lễ Hội Tháng Ba
Con Đường Ngã Ba Bước Đi Của Tư Tưởng
✿ 1973. Khoảng đầu năm này, Bùi Giáng dọn về ở luôn trên lầu ba của Viện Đại học Vạn Hạnh, đường Trương Minh Giảng.
Bài Ca Quần Đảo
✿ 1974. Mùi Hương Xuân Sắc
✿ 1975. Sau 1975, Bùi Giáng viết ít.
✿ 1978. Bùi Văn Võ, em họ, vào Nam từ 1965, sống tại đường Lê Quang Định, xây một nhà nhỏ trong vườn cho Bùi Giáng ở. Rể của ông Võ là Nguyễn Thanh Hoài săn sóc Bùi Giáng. Vợ của ông Võ là bà Hoàng Thị Như Hồng tiết lộ rằng Bùi Giáng “vá áo khéo lắm, khéo hơn cả phụ nữ”.
✿ 1990. Kể từ đây, người thân ở hải ngoại in sách cho
Bùi Giáng.
✿ 1993. Mưa nguồn được Hội Nhà Văn tái bản.
✿ 1994. Hán Tự Hài Cú có Trịnh Công Sơn hợp tác.
✿ 1996. Bùi Giáng về thăm lại cố quận Quảng Nam khi đã 70 tuổi.
✿ 1997. Đêm ngắm trăng
Tuyển tập Thời Văn phỏng vấn. Bùi Giáng có trả lời một số câu.
✿ 1998. Ngã, chấn thương sọ não, được chở vào cấp cứu ở Bệnh Viện Chợ Rẫy.
Di cảo:
✿ 1998. Như Sương
✿ 2001. Mười hai con mắt
✿ 2004. Thơ Vô Tận Vui