MỤC LỤC:
Chương 1: Bạn đang sống với vị thầy tuyệt vời nhất
Chương 2: Cha mẹ lớn lên trong quá trình nuôi dạy con
Chương 3: Vứt bỏ những ảo tưởng về con
Chương 4: Không phải là quá trình nuôi con lớn khôn, mà đó là quá trình nuôi dưỡng sự trưởng thành của cha mẹ
Chương 5: Nêu gương về Yêu chính mình và Nhận biết
Chương 6: Giao tiếp lành mạnh và Tăng cường kết nối
Chương 7: Dẫn dắt cuộc trò chuyện
Chương 8: Nuôi dưỡng sự đồng cảm, tính nhạy cảm và lòng trắc ẩn
Chương 9: Giúp con đối mặt với căng thẳng
Chương 10: Hạnh phúc có sẵn ở trong bạn
Chương 11: Hướng dẫn thực hành: Chiến thuật và Chiến lược
-----------------------
Sau đây là một ví dụ. Cô con gái 13 tuổi hỏi mẹ rằng, liệu con có thể đi dự một bữa tiệc cùng một chị hàng xóm không (người chị này là người không được đánh giá cao trong những hoạt động kiểu này).
Mẹ: “Con yêu, mẹ biết con muốn đi, nhưng thật không may, mẹ không cảm thấy đó là một ý kiến hay.”
Con gái: “Cho phép con đi mà? Con hứa là sẽ không có chuyện gì xấu xảy ra đâu ạ.”
Mẹ: “Ôi, con yêu. Mẹ biết điều đó có vẻ không công bằng, và mẹ biết con muốn đi như thế nào, nhưng mẹ e là không được.”
Ở đây, người mẹ là thuyền trưởng, đã thể hiện sự đồng cảm và ân cần trong khi vẫn dứt khoát và rõ ràng. Tùy thuộc vào mức độ quen thuộc của con với việc bạn từ chối những mong muốn của chúng, con có thể cố gắng tiếp tục thu hút bạn vào các kiểu tương tác khác.
Khi cha mẹ tham gia vào các cuộc tranh luận, giành phần đúng với con cái, thì không ai là người chịu trách nhiệm ở đây cả. Tôi gọi kiểu quan hệ đó là kiểu quan hệ Tranh biện. Con cái chống lại cha mẹ và cha mẹ chống lại con cái, mối quan hệ này đầy sự căng thẳng và phẫn uất. Dưới đây là một ví dụ:
Con gái: “Mẹ, mẹ coi con như một đứa trẻ hai tuổi. Mẹ không bao giờ tin tưởng con hết!”
Mẹ: “Con chẳng bao giờ hài lòng trừ khi con đạt được những gì con muốn! Chị Carey chưa trưởng thành và mẹ không thể tin chị ấy có thể để mắt đến con. Chị ấy còn chưa lo được cho bản thân chị ấy! Trên thực tế, năm ngoái mẹ đã nghe nói là chị ấy...” Người mẹ lập luận cho quan điểm của mình, và người con cũng biện luận ngược lại ngay tức thì.
Con gái: “Chuyện đó rất không đúng! Chị ấy bị quy kết là đã hút thuốc trong phòng tắm ở trường, nhưng mẹ biết không chị ấy thậm chí còn chưa từng cầm điếu thuốc bao giờ! Chị ấy chỉ tình cờ có mặt ở đó khi mấy đứa con gái khác đang hút thuốc mà thôi!”
Những cách tương tác của nhóm cha mẹ kiểu này được đặc trưng bởi sự đối đầu, tranh cãi và thỏa hiệp.
Cuối cùng, khi đứa trẻ thể hiện sự áp đảo, cha mẹ sẽ cảm thấy mất kiểm soát và thậm chí hoảng sợ, đặc biệt nếu họ cho rằng người khác đang đánh giá vì họ đã không biết dạy bảo con cái. Họ cố gắng khôi phục trật tự và quyền kiểm soát bằng cách chế ngự con cái với những lời đe dọa, hứa hẹn hoặc đưa ra tối hậu thư, tương tự như cách hành xử của các bạo chúa. Theo đó cha mẹ khẳng định quyền kiểm soát dựa trên sự sợ hãi và đe dọa và tất nhiên họ sẽ không nhận được sự cảm phục từ con cái. Tôi gọi họ là kiểu cha mẹ Độc đoán. Đây là một ví dụ:
Con gái: “Tại sao mẹ không thể chấp nhận rằng con đã không còn là đứa bé lên ba nữa. Tại sao mẹ không sống cuộc đời của mẹ, mẹ có thể thôi tìm cách kiểm soát cuộc sống của con được không?”
Mẹ: “Con nói vậy à. Con không bao giờ biết trân trọng những gì bố mẹ làm cho con. Mẹ làm việc chăm chỉ để kiếm tiền mua thức ăn, còn con chỉ việc ngồi ăn, con thậm chí không bao giờ nói lời cảm ơn. Con đừng hòng ra khỏi cái nhà này!”
Chúng ta thấy đó, tình hình này nhanh chóng xấu đi, với việc người mẹ nhanh chóng mất đi vị thế – chuyển từ thuyền trưởng sang thế Tranh biện và cuối cùng là chuyển sang cơ chế Độc đoán.
Để duy trì cơ chế thuyền trưởng, chúng ta phải thư thái đặt ra các giới hạn để có thể làm cha mẹ một cách tử tế, rõ ràng và tự tin.
...
Đặt ra giới hạn - Tạo dựng sự kết nối thực sự
Tôi bắt đầu quan tâm đến việc khám phá xem Henry là đứa trẻ như thế nào. Khi chúng tôi trò chuyện, cậu ngập ngừng mở lời, cậu kể về niềm yêu thích khi vẽ những bức tranh và ước mơ được thiết kế trò chơi điện tử. Khi cậu tỏ ra có sự lơ đãng trong cuộc trò chuyện vì còn mải để tâm đến đồ chơi điện tử bên cạnh, tôi đã đề nghị cậu đưa đồ chơi cho tôi một cách thân thiện, tôi giải thích rằng nó có vẻ như đang chiếm quá nhiều sự chú ý của cậu. Tôi đặt món đồ lên kệ trong văn phòng tôi, và nó vẫn nằm trên đó trong nhiều tháng, với mức độ chấp nhận đáng ngạc nhiên của cậu.
Henry và tôi bắt đầu tạo dựng một mối liên hệ thực sự. Tôi kiên định với lòng tốt và sự quan tâm của mình, cậu bé dần dần tin tưởng rằng tôi là đồng minh của cậu. Giờ đây phần việc khó khăn hơn lại là các buổi tư vấn và hướng dẫn bố mẹ cậu, những gì chúng tôi đã thống nhất trong các buổi làm việc cùng nhau. Hết lần này đến lần khác, họ sử dụng logic, dụ dỗ hoặc đe dọa để buộc con trai làm theo ý mình. Có vẻ như họ đã đầu tư nhiều hơn vào việc tôi sẽ thay đổi con trai của họ để cậu bé sẽ làm theo những gì họ yêu cầu, chứ không phải là để cải thiện chất lượng mối quan hệ của họ với con trai.
Vào một buổi tối, điện thoại của tôi đổ chuông. Đó là Bradley, anh gọi cho tôi từ bãi đậu xe của một nhà hàng, trong trạng thái bấn loạn. Thì ra, Henry đã nổi cơn giận dữ trong nhà hàng và chạy trốn ra bãi đậu xe để tránh mặt cha mẹ. Bradley và Melissa đã cố gắng mọi cách nhưng không thể gọi được con trai lên xe để về nhà. “Chị sẽ nói chuyện với Henry chứ? Chị làm ơn thuyết phục thằng bé lên xe được chứ?” Bradley cầu xin tôi.
Đó là một đề nghị bất thường, nhưng tôi đồng ý, không biết tôi sẽ đối mặt với điều gì. Nhưng mọi chuyện lại diễn ra như thế này: Bradley đến đủ gần Henry để nói với cậu rằng Susan đang nghe điện thoại và cô muốn nói chuyện với con. Henry nhận lấy máy ngay tức thì. Tôi chỉ nói đơn giản, “Con yêu, đã đến lúc lên xe rồi.”
“Vâng ạ.”
Tất cả chỉ có vậy, và cậu trả lại điện thoại cho bố rồi lên xe.
Tôi đã làm điều gì mà bố mẹ Henry đã không thể làm được? Tôi có quyền lực gì đối với Henry mà khiến cậu bé đồng ý? Không có quyền lực gì cả. Nhưng tôi có hai điều: Đầu tiên là sự kết nối đáng tin cậy, Henry biết tôi tôn trọng cậu và tôi có vị thế phù hợp để làm thuyền trưởng của con tàu trong mối quan hệ với cậu. Thứ hai là, tôi không sợ mất lòng Henry, tôi cũng không thông qua mối quan hệ với cậu để củng cố cảm nhận về giá trị của bản thân tôi. Nhưng tôi đã chứng minh rằng tôi thực sự quan tâm đến cậu, và Henry biết rõ rằng tôi đứng về phía cậu.
Bằng cách nào tôi đã làm được những điều này? Bằng cách lắng nghe Henry với sự hiện diện đầy đủ, chấp nhận cậu như đúng con người cậu. Cậu biết rằng tôi nhận ra sự hài hước và thú vị nơi cậu. Cậu cũng biết rằng tôi không có động cơ gì đằng sau; Tôi thực sự không cần bất cứ thứ gì từ cậu. Vì vậy, cậu đã phản ứng tích cực với đề nghị của tôi, như chúng ta cũng thường đáp ứng lại với những người mà chúng ta yêu thích.
....
Mô hình hành vi nhất quán
Cách bạn làm một việc bất kỳ chính là cách bạn làm tất cả mọi thứ. Đây là một khái niệm vô cùng quan trọng trong cuộc sống của tôi, một khái niệm đã ảnh hưởng đến tôi cả về mặt cá nhân lẫn nghề nghiệp.
Tôi nhớ ở độ tuổi lên mười, con trai tôi hỏi tại sao tôi lại cư xử thô lỗ với một người nhân viên tiếp thị khi họ gọi điện chào hàng giữa lúc tôi đang dùng bữa tối. “Liệu mẹ có hành động như vậy nếu chú ấy ngồi trước mặt mẹ không?” con trai tôi hỏi. “Không, con yêu... tất nhiên là không rồi.” tôi trả lời.
Có câu nói rằng con cái luôn đặt cha mẹ ở những tiêu chuẩn cao, đó không phải là câu nói đùa. Trẻ thấy những thứ tốt nhất và tệ nhất của cha mẹ; mọi thứ cha mẹ làm đều để lại ấn tượng với chúng. Cách chúng ta nói chuyện với nhân viên tiếp thị qua điện thoại hoặc thực hiện lời hứa giúp đỡ một dự án khoa học đều được con cái chúng ta ghi nhận. Chúng ta có thể lỡ cư xử một cách không phù hợp, hoặc nhận ra ta không có thời gian để giúp đỡ như đã hứa với một dự án khoa học. Không sao đâu; chúng ta là con người, và chắc chắn sẽ còn thiếu sót so với những mong muốn hoàn thiện của mình.
Nhưng khi chúng ta cư xử không đúng với những gì chúng ta đã rao giảng cho con cái, chúng ta cần phải chịu trách nhiệm. “Bố/mẹ muốn dành thời gian để giúp con về dự án khoa học đó, và bố/mẹ biết rằng bố/mẹ đang làm con thất vọng.” Hoặc, trong trường hợp của con trai tôi và nhân viên tiếp thị qua điện thoại, “Mẹ có thể nói với con lý do tại sao mẹ lại nặng lời với người đó, nhưng con nói đúng, mẹ không nên trả lời họ như vậy.”
Tuân thủ quan điểm rằng cách chúng ta làm việc bất kỳ chính là cách chúng ta làm tất cả mọi thứ có thể là một gánh nặng thực sự. Chúng ta phải sẵn sàng tha thứ cho bản thân – thường là thế. Nhưng bằng cách thể hiện tính nhất quán trong tính cách của mình, chúng ta tự khẳng định mình là một ngôi sao Bắc Đẩu dẫn hướng đáng tin cậy, xứng đáng là điểm tham chiếu cho con cái để chúng có thể điều hướng cuộc sống một cách lành mạnh và chính trực.
Xin lỗi
Trong cuộc đời làm mẹ của mình, tôi nhận ra rằng mặc dù không cần phải hoàn hảo, nhưng tôi phải học cách chịu trách nhiệm về những lời nói hay hành động không đang có vì sự mất bình tĩnh của mình gây ra. Tôi đã phải học cách xin lỗi.
Đây là một quá trình khó khăn bởi vì “cái tôi” của chúng ta tạo ra nhiều chiến lược để biện minh cho những thiếu sót. Tôi đã lớn lên trong một môi trường coi trọng việc Là Người Đúng hơn là thừa nhận những thiếu sót của bản thân, và tôi được đào tạo về nghệ thuật bảo vệ bản thân, có kỹ năng Biện minh, Hợp lý hóa và Đổ lỗi cho người khác.
Bạn còn nhớ khi tôi đã nói rằng, con cái có thể là vị thầy vĩ đại nhất của cha mẹ không? Chính con trai tôi là người đã cho tôi cơ hội để khám phá ra rằng tôi có thể đi vào bên trong, trải nghiệm những ân sủng và phúc lạc giữa sự bất toàn. Tôi có thể nhận ra những sai lầm của mình. Đó là một quá trình chậm rãi nhưng thật là nhẹ nhàng! Cùng với đó là một lợi ích to lớn: Tôi đang nuôi dạy một chàng trai trẻ biết xin lỗi khi làm sai và biết coi trọng sự yêu thương hơn việc giành phần đúng về mình.
Tôi đã học được những bài học quan trọng về lời xin lỗi. Trước tiên cần phải thành thật; tôi không hào hứng với việc bắt trẻ phải miễn cưỡng lẩm bẩm nói “Con xin lỗi” sau khi chúng đã làm tổn thương thân thể hay tình cảm của ai đó. Trên thực tế, một lời xin lỗi không chân thành dạy trẻ rằng, có trở thành một kẻ phá bĩnh cũng không sao cả, miễn là chúng lẩm bẩm hai từ nhỏ “xin lỗi” đó là được. Điều cần thiết phải là: con cái chúng ta chỉ nên đưa ra lời xin lỗi sau khi chúng thực sự cảm thấy hối hận. Điều này không thể xảy ra trong bối cảnh trẻ đang xấu hổ vì bị phê bình. Khi cha mẹ chế nhạo con cái vì đã làm điều sai trái, cơ chế tự bảo vệ của trẻ sẽ kích hoạt, khiến trẻ khó thừa nhận bất kỳ hành vi sai trái nào. Thay vào đó, chúng ta phải nhẹ nhàng giúp con cái tiếp xúc với trái tim bị tổn thương của người khác để chúng có thể nhận ra tác động tiêu cực từ hành vi không đẹp của mình. Chỉ khi đó, chúng mới có thể nói lời xin lỗi chân thành hoặc thực hiện một số cử chỉ đền đáp thể hiện sự hối lỗi.
Tóm lại, đây là bốn bước để đưa ra lời xin lỗi:
1. “Tôi xin lỗi,” được nói từ trái tim và không có bất kỳ sự giải thích nào, vì điều này có thể được coi là một nỗ lực để biện minh hoặc bảo vệ hành vi khiếm khuyết của mình.
2. “Tôi nhận ra bạn đang cảm thấy _______,” cho thấy rằng bạn đã đặt mình vào vị trí của người kia với sự đồng cảm và quan tâm.
3. “Trong tương lai...” Đây là lúc bạn công bố ý định làm tốt hơn, nói rõ rằng hành vi gây tổn thương của bạn không phải là điều bạn muốn lặp lại.
4. “Có điều gì bạn cần ở tôi không?” Bạn đang mời người kia chia sẻ bất cứ điều gì có thể đang ngăn cản họ tha thứ cho bạn.
Thay vì bênh vực bản thân hoặc đổ lỗi cho người khác khi mắc lỗi, chúng ta nên thừa nhận những sai lầm của mình, điều đó mang lại cho chúng ta cảm giác tự do lớn lao. Khi không dằn vặt bản thân về những thiếu sót thi thoảng mình mắc phải, chúng ta có thể chấp nhận bản thân với lòng bao dung lớn hơn. Lời xin lỗi sẽ phát sinh dễ dàng hơn, và trớ trêu thay, gạt bỏ sự phòng thủ sang một bên lại cho phép chúng ta đồng cảm và chân thành hơn.
Việc nuôi dạy con cái giúp cha mẹ đối mặt với khiếm khuyết của bản thân và chịu trách nhiệm về hành động của mình, chứ không phải để nuôi dưỡng niềm kiêu hãnh và cái tôi ích kỷ. Qua đó chúng ta sẽ nuôi dạy những đứa trẻ biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình và hiểu được tầm quan trọng của việc sống liêm chính.