Niên thiếu chưa từng rõ Sắc – Không
Đây là câu đầu tiên trong bài Xuân Vãn của ngài. Bài này nói sơ qua về con đường tâm linh cá nhân:
Niên thiếu chưa từng rõ sắc – Không,
Một xuân tâm ở tại trăm hoa
Khuôn mặt chúa Xuân nay khám phá
Giường gỗ, đệm thiền ngắm rụng hồng.
Niên thiếu chưa từng rõ Sắc – Không. Vào thời niên thiếu, chưa từng rõ (liễu), chưa từng ngộ (liễu ngộ), chưa từng biết trực tiếp tánh Không là gì.
Chưa có kinh nghiệm tâm linh trực tiếp về tánh Không, nhưng không phải ngài không có kiến thức và không học hỏi về tánh Không, bởi vì ông nội ngài là vua Trần Thái Tông (1218 – 1277) và cha ngài là vua Trần Thánh Tông (1240 – 1292) đều là những người ngộ đạo, và ngộ đạo khi đang làm vua.
Vua Trần Thái Tông, ông nội của ngài, trực ngộ tánh Không như thế này:
“Vì thế trẫm cùng mọi người trở về kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Trong khoảng hơn mười năm, mỗi khi rảnh việc trẫm lại hội họp các tôn đức để tham thiền hỏi đạo, và các kinh điển đại giáo thì đều tham cứu. Trẫm thường đọc Kinh Kim Cương, một hôm đến chỗ “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (hãy nên sanh tâm vào chỗ không trụ), vừa gấp sách lại ngâm nga, bổng nhiên tự ngộ. Lấy chỗ ngộ ấy làm bài ca này, đặt tên là Thiền tông chỉ nam.
Năm ấy Quốc sư từ núi Yên Tử về kinh, trẫm mời ở chùa Thắng Nghiêm để in kinh sách. Trẫm đưa sách này cho quốc sư xem. Sư mới xem qua một lần, đã tán thưởng:
̶ Tâm của chư Phật ở hết cả trong này, sao không in thành kinh để chỉ dạy cho hàng hậu học?”
Cha ngài, vua Trần Thánh Tông, trong bài Độc Đại Tuệ ngữ lục hữu cảm, viết:
Đập ngói dùi rùa ba chục niên
Bao lần xuất hạn bởi tham thiền
Một mai biết suốt khuôn mặt mẹ
Mặt mũi nguyên lai thiếu một bên
Trước mắt không sắc, tai không thanh
Một phiến tâm đầu tự đúc thành
Thanh sắc chẳng can, ngoài môi lưỡi
Mặc người lí nhí với lao xao.
Sống trong một nền văn hóa của gia đình và dòng họ như vậy thì câu nói “niên thiếu chưa từng rõ sắc – Không” chỉ có nghĩa là ngài chưa ngộ tánh Không, chứ ngài vẫn nghe, học, đọc, nghiên cứu (Văn), và có lẽ thêm cả tư duy (Tư), rồi thiền định thiền quán về tánh Không (Tu).
……………………….
Từ thời niên thiếu ngài đã học để lên làm vua, đồng thời vẫn tu tập, như cha mình, “đập ngói dùi rùa ba chục niên, bao lần xuất hạn bởi tham thiền”. Cho đến tuổi trưởng thành, khi đang làm vua và chuẩn bị cho lần thứ ba quân Nguyên Mông tiến đánh, ngài đã thấy ra “khuôn mặt chúa Xuân” và cũng là “khuôn mặt xưa nay của chính mình”:
Khuôn mặt chúa Xuân nay khám phá
Giường gỗ, đệm thiền ngắm rụng hồng.
Học biết bản tánh để sống giữa đời:
Sự học với Thượng sĩ hoàn tất vào năm 1287, năm ngài 29 tuổi, trong lễ tang của Nguyên Thánh mẫu hậu, vì sau đó không nghe đến chuyện ngài học với Thượng sĩ nữa.
“Một hôm ta hỏi ngài về ‘bổn phận tông chỉ’. Thượng sĩ đáp:
̶ Quay lại thấy cái thật là chính mình đó là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được. (Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc).
̶ Ta bỗng nhiên rõ được đường vào, bèn vén áo thờ ngài làm thầy”.
Trong truyền thống Ấn – Tạng, một người có thể có nhiều vị thầy, nhưng vị thầy nào chỉ cho ta được bản tâm, thì vị đó được gọi là guru gốc (root guru), tức là bổn sư. Như vậy Thượng sĩ Tuệ Trung là bổn sư của vua Nhân Tông.
Trong phần Niệm hương trước khi thuyết pháp ở viện Kỳ Lân, chùa Sùng Nghiêm, ngài khấn:
“Một nén hương này, nướng cũng không chín, đốt cũng không cháy, đánh vào không mở, kéo lại không đến, nhìn trộm thì con ngươi khô kiệt, ngửi thử thì võ não tét đôi. Sức nóng lò hương, dâng lên Vô Nhị thượng nhân, Tuệ Trung đại sĩ, mưa pháp thấm nhuần, cháu con đều gội.”
Cho thấy đối với ngài, Tuệ Trung thượng sĩ là bổn sư và được kính trọng nhường nào.
Trong buổi dạy này, ngài đã xác quyết được “bổn phận sự” là cái gì, để nắm giữ, hộ trì nó cho đến suốt đời.
Bổn phận sự là gì? Là quay lại thấy cái chính mình chân thật, chưa từng nhiễm ô dầu trải qua bao đời sanh tử. Đó là cái mà Lục Tổ gọi là “tự tánh”:
Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,
Nào ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt,
Nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,
Nào ngờ tự tánh vốn không động lay,
Nào ngờ tự tánh sanh ra muôn pháp.
Cái đó là “bản tánh của tâm”, là “bản tánh, thật tướng của tất cả mọi sự”. Cái đó là “giác tính quang quang” (Đắc thú lâm tuyền..). Và thấy không phải chỉ một lần, mà phải thường thấy, mãi mãi thấy, để những hình tướng giả hợp của sanh tử không còn che lấp nó. Và rồi chúng tan biến như chưa hề có.
***
Cái Chính Mình, mà theo danh từ có từ xưa là Tự Kỷ Phật (Phật Chính Mình), là gì? Đó là “bản tánh của tâm” và cũng là “bản tánh của tất cả mọi sự” (pháp tánh).
Bản tánh của tâm thì không hề nhiễm ô bởi những ý tưởng dù tốt dù xấu. Ý tưởng có khởi hiện, nhưng chẳng dính dáng gì đến bản tánh của tâm. Bản tánh của tâm là sự “viễn ly” (xa lìa) căn bản, nền tảng, vốn xa lìa, vì tất cả mọi khởi niệm đều chẳng dính dáng gì đến nó.
Tương tự, bản tánh của mọi sự chẳng bao giờ bị nhiễm ô bởi sự vật nào, bởi hiện tướng nào.
Cho nên hộ trì, giữ gìn, không để thất lạc bản tánh của tâm cũng là bản tánh của mọi sự, tức là giữ gìn sự không ô nhiễm, giữ gìn sự giải thoát vốn có. Sự giữ gìn này không đòi hỏi hoàn cảnh, lối sống, cho nên đây là thực hành cốt lõi trong đời sống hàng ngày.
Trong Cư trần, vua Trần Nhân Tông đã nói nhiều đến hai phẩm tính của bản tánh của tâm, của pháp tánh. Đó là tánh Không và tánh Sáng. Chẳng hạn:
Hỏi phép chân không
Hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
Biết Chân Như, tin Bát nhã,
Chớ còn tìm Phật, Tổ tây đông.
Chứng thật tướng, ngõ vô vi,
Nào nhọc hỏi kinh thiền nam bắc…
(Hội thứ tư).
Yêu tính sáng hơn yêu châu báu.
Gìn tính sáng tính mới hầu an.
Di Đà là tính sáng soi.
Gìn tính sáng, mựa lạc tà đạo.
Tánh Không và tánh Sáng hay tánh giác là bản tánh của tâm, là Phật. Cho nên gìn giữ bản tánh của tâm là gìn giữ Phật:
Chỉn Bụt là lòng
Hãy xá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ
(Hội thứ ba)
Vậy mới hay
Bụt ở trong nhà,
Chẳng phải tìm xa
Nhân khuấy (quên) bản nên ta tìm Bụt
Đến cốc (biết) hay chỉn Bụt là ta…
(Hội thứ năm)
Tánh Không, tánh Như (Chân Như) và tánh Sáng là bản tánh của tâm và cũng là bản tánh của tất cả mọi sự. Đây cũng là tánh giác vốn có nơi mỗi người:
Giác tính quang quang
Chẳng còn bỉ thử.
(Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca).
Cho nên khi biết bổn phận sự của một hành giả thì người ấy “gìn”, (“gìn tánh sáng”) gìn giữ, hộ trì bản tánh ấy và như vậy đưa thân tâm và thế giới trở lại bản tánh vốn thanh tịnh của chúng.
Thân tâm và thế giới lúc ấy là sự biểu lộ của tánh Không, tánh Như, và tánh sáng, tức là tánh giác. Đó là niềm hoan hỷ, tự do nơi chính các giác quan mắt thấy, tai nghe… được ngài diễn tả sơ qua trong những câu đầu của hội thứ nhất:
Chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý
Thị phi tiếng lặng
Được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.
Chơi nước biếc ẩn non xanh
Nhân gian có nhiều người đắc ý.
Biết đào hồng, hay liễu lục,
Thiên hạ năng mấy chủ tri âm.
Nguyệt bạc vầng xanh
Soi mọi chỗ thiền hà lai sáng
Liễu mềm hoa tốt,
Ngất quần sinh huệ nhật sâm lâm…
Với sự “gìn”, gìn giữ, hộ trì, bảo nhậm bổn phận sự là cái Chính Mình tức là tánh Không và tánh Sáng, cuộc đời bình thường hàng ngày biến thành cõi thanh tịnh, phiền não biến thành niềm vui, an lạc, và nói theo kinh điển, “sanh tử tức là Niết bàn”. Đây là sự giàu có vô lượng của một người biết bổn phận sự là gì và biết gìn giữ bổn phận sự Thường, Lạc, Chân, Tịnh vốn là của mình ấy.
Nhưng sự gìn giữ, hộ trì, bảo nhậm bản tánh không phải là chuyện dễ dàng, mà phải làm lâu dài. Đây là quá trình tiệm tu hay diệu tu.
Vàng chưa hết quặng,
Sá tua chín phen đúc chín phen rèn.
(Hội thứ Sáu)
Rèn lòng làm Bụt
Chỉn xá tua một sức dồi mài.
Đãi cát kén vàng,
Còn lại phải nhiều phen lựa lọc.
(Hội thứ Tám)
Các kinh cũng ví làm hiện lộ hoàn toàn bản tâm, bản tánh như việc lọc rèn vàng. Lúc ấy cuộc đời trần thế với đầy dẫy phiền não chính là lò luyện vàng hiệu quả nhất.
***
Cụ thể, đối với ngài, việc “chín phen đúc chín phen rèn” được làm ngay trong cuộc chiến chống quân Nguyên xâm lược, trong sự điều hành đất nước của một vị vua, với sự khéo léo từ bi trong đối nhân xử thế đối với hàng quan quân và đối với hoàng tộc.
TRÍCH ĐOẠN HAY