J. Krisnamurti Thực Tại Hiện Tiền
Nhìn xem, tôi ở đâu,
Thì Người ở đó,
Tĩnh lặng, an vui,
Ngập tràn thế giới của tôi -
Hiện thân của Chân lý.
Như một người thấy một ánh sáng
Trong đêm đen
Từ xa,
Tôi đã thấy Người.
Tôi bước về phía Người
Qua vạn kiếp -
Vẻ đẹp của Người làm rung động tâm hồn tôi.
…
Người là sự chấm dứt
Của tất cả những nỗi buồn,
Của tất cả niềm vui,
Của tất cả kiến thức,
Của tất cả các tìm kiếm.
Người là đích đến của vạn vật
Chỉ trong Người là Ánh sáng Giác ngộ,
Là Hạnh phúc của thế gian.
Sống cả bốn mùa trong một ngày
Krishnamurti: Có cần phải có một sự đổi mới liên tục, một sự tái sinh? Nếu hiện tại bị đè nặng bởi kinh nghiệm của ngày hôm qua thì không thể có sự đổi mới. Đổi mới không phải là hành động sinh ra và chết đi; nó nằm ngoài các mặt đối lập; chỉ có tự do khỏi sự tích lũy ký ức, trí nhớ mới mang lại sự đổi mới và không có sự hiểu biết nào được lưu lại trong hiện tại.
Tâm trí chỉ có thể thấu hiểu hiện tại nếu nó không so sánh, phán xét; mong muốn thay đổi hoặc lên án hiện tại mà không hiểu nó khiến cho quá khứ tiếp tục. Chỉ khi thấu hiểu sự phản chiếu của quá khứ trong tấm gương của hiện tại, không bị bóp méo, thì mới có sự đổi mới.
Sự tích lũy của trí nhớ, ký ức được gọi là kiến thức; với gánh nặng này, với những vết sẹo của kinh nghiệm, tư tưởng luôn diễn dịch hiện tại và do đó tạo ra sự liên tục cho những vết sẹo và tình trạng của chính nó. Sự liên tục này ràng buộc vào thời gian và do đó không có sự tái sinh, không có sự đổi mới. Nếu bạn đã sống một kinh nghiệm đầy đủ, trọn vẹn, bạn không thấy rằng nó không để lại dấu vết gì sao? Chỉ có những kinh nghiệm không trọn vẹn mới để lại dấu ấn của chúng, làm tương tục cho trí nhớ tự đồng hoá.
Mỗi khi kinh nghiệm phát sinh, hãy sống với nó một cách đầy đủ và sâu sắc nhất có thể; suy nghĩ về nó, cảm nhận nó một cách rộng mở và sâu sắc; rõ biết về nỗi đau và niềm vui của nó, về những đánh giá và đồng hoá của bạn. Chỉ khi kinh nghiệm đã hoàn tất thì mới có sự đổi mới. Chúng ta phải có khả năng sống bốn mùa trong một ngày; rõ biết sâu sắc, để kinh nghiệm, để thấu hiểu và thoát khỏi những tích tụ mỗi ngày. Vào cuối mỗi ngày, tâm trí - trái tim phải tự trút bỏ sự tích tụ của những niềm vui và nỗi đau của nó. Chúng ta tích tụ một cách có ý thức và vô thức; Để loại bỏ những gì đã có được một cách có ý thức thì tương đối dễ dàng nhưng tư tưởng gặp khó khăn hơn trong việc tự giải phóng khỏi những tích tụ vô thức, quá khứ, những kinh nghiệm chưa trọn vẹn với những ký ức tái diễn của chúng. Tư tưởng - cảm giác đeo bám rất dai dẳng vào những gì nó tích tụ được bởi vì nó sợ không được an toàn.
Thiền là đổi mới, là sự chết đi mỗi ngày với quá khứ; nó là một sự tỉnh giác thụ động mãnh liệt, sự thiêu rụi ý muốn để tiếp tục, để trở thành. Chừng nào tâm trí còn tự bảo vệ thì sẽ có sự tiếp tục mà không có đổi mới. Chỉ khi tâm trí ngừng tạo tác thì mới có sự sáng tạo.
Người hỏi: ông vui lòng giải thích ý tưởng rằng một người phải chết mỗi ngày, hay một người phải sống bốn mùa trong một ngày?
J. Krisnamurti Nói Về Tự Do
Tự do có mặt ngay từ ban đầu
Muốn có hòa bình, người ta phải áp dụng các phương tiện hoà bình, vì nếu các phương tiện có tính bạo lực, thì làm sao kết quả của nó có thể là hoà bình được? Nếu mục đích là tự do, thì khởi đầu phải là tự do, vì kết thúc và khởi đầu là một. Hiểu biết về chính mình và trí thông minh chỉ có thể có được khi tự do có mặt ngay từ ban đầu; và tự do bị chối bỏ qua việc chấp nhận quyền lực.
Chúng ta tôn thờ quyền lực dưới nhiều hình thức khác nhau: kiến thức, thành công, quyền lực, vân vân… Chúng ta áp đặt quyền lực lên người trẻ, đồng thời chúng ta lại sợ thứ quyền lực cao hơn. Khi con người không có một sự thông hiểu từ bên trong, thì quyền lực và địa vị bên ngoài được xem là hết sức quan trọng, thế là cá nhân ngày càng tuân phục theo quyền lực và sự bắt buộc, anh ta trở thành công cụ cho những người khác.
Nếu chúng ta có thể hiểu được sự cưỡng ép ẩn sau mong muốn thống trị hay bị thống trị của mình, thì có lẽ chúng ta có thể thoát khỏi những tác động bóp méo, gây tê liệt của quyền lực. Chúng ta khao khát được đảm bảo, được đúng, được thành công, được hiểu biết, và nỗi khao khát có được sự an toàn và bền vững này xây dựng lên trong chính chúng ta quyền lực của kinh nghiệm cá nhân, trong khi đó, ở bên ngoài, nó tạo ra quyền lực của xã hội, của gia đình, của tôn giáo, và vân vân … Nhưng chỉ đơn thuần phớt lờ quyền lực và rũ bỏ các biểu tượng bên ngoài của nó thì không có nhiều ý nghĩa.
Tách ra khỏi truyền thống này và tuân phục một truyền thống khác, rời bỏ người lãnh đạo này và tuân phục một người lãnh đạo khác, cũng chỉ là một hành động bề ngoài. Nếu chúng ta muốn rõ biết về toàn bộ tiến trình của quyền lực, nếu chúng ta muốn nhìn thấy cái bên trong của nó, nếu chúng ta muốn thấu hiểu và chuyển hóa lòng tham muốn được đảm bảo an toàn thì chúng ta phải có sự tỉnh giác và trí huệ rộng lớn, chúng ta phải tự do ngay từ điểm khởi đầu chứ không phải vào lúc kết thúc.
Khi yêu thương thì không có buồn rầu
Khi bạn tìm ra cái gì không phải là thương yêu, bấy giờ bạn biết cái gì là thương yêu – không lý thuyết, không ngôn ngữ lý luận – mà khi bạn thấu hiểu thật sự cái gì không phải là nó, đó là: không phải có một tâm thức tranh đua, tham vọng, một tâm thức nỗ lực, so sánh, rập khuôn; một tâm thức như vậy không thể thương yêu.
Thế thì bạn có thể, trong thế giới này, sống hoàn toàn không có tham vọng, hoàn toàn không hề tự so sánh mình với người khác chăng? Bởi vì giây phút bạn so sánh, ngay lúc ấy có xung đột, có ghen ghét, có tham muốn hoàn thành, vượt hơn người khác.
Một tâm trí và một tấm lòng nhớ lại những tổn thương, những xúc phạm, những sự việc làm cho nó mất nhạy cảm và đờ đẫn – một tâm trí và một tấm lòng như vậy có thể nào biết được yêu thương là gì? Yêu thương là lạc thú chăng? Vậy mà đó là cái chúng ta đang theo đuổi, một cách ý thức hay không ý thức. Và khi bạn nói, “Tôi yêu người nào”, đó có phải là thương yêu? Đó có nghĩa là không chia tách, không thống trị, không hoạt động vị kỷ. Để tìm ra nó là gì, người ta phải phủ nhận mọi cái ấy – phủ nhận nó theo nghĩa thấy sự giả trá của nó. Một khi bạn thấy cái gì là giả - mà bạn đã chấp nhận là chân thật, là tự nhiên, là nhân bản – bấy giờ bạn không bao giờ có thể trở lại với nó; khi bạn thấy một con rắn độc, một con thú nguy hiểm, bạn không bao giờ chơi với nó, không đến gần nó. Tương tự, khi bạn thực sự thấy rằng yêu thương không phải là cái nào trong những cái đó, cảm nhận điều đó, quan sát nó, nghiền ngẫm nó, sống với nó, hoàn toàn dấn thân với nó, bấy giờ bạn sẽ biết yêu thương là gì, lòng bi (compassion) là cái gì – nó có nghĩa là đam mê (passion) đối với tất cả mọi người.
Chúng ta không có đam mê; chúng ta có tham dục, chúng ta có lạc thú. Nghĩa gốc của từ đam mê (passion) là buồn rầu. Chúng ta đều có buồn rầu theo loại nào đó, mất đi một người thân, buồn rầu của tự thương hại, buồn rầu của loài người, cả tập thể lẫn cá thể. Chúng ta biết buồn rầu là gì, cái chết của một người thân yêu. Khi chúng ta hoàn toàn ở với nỗi buồn rầu đó, không cố gắng hợp lý hóa nó, không cố gắng trốn thoát khỏi nó bằng bất kỳ hình thức nào qua ngôn ngữ hay hành động, khi ấy bạn ở lại với nó một cách trọn vẹn, không có bất kỳ chuyển động nào của tư tưởng, bấy giờ bạn sẽ thấy, từ nỗi buồn rầu ấy mà đam mê xuất hiện. Đam mê ấy có tính chất yêu thương, và yêu thương thì không có buồn rầu.
J. Krisnamurti Nói Về Tình Yêu
“Trên những cánh đồng hoa,
trong những đô thị nhiễm ô bẩn thỉu,
nơi người trong sạch và người phàm phu,
trong đoá hoa che giấu tính thiêng liêng,
đều có cái Thân Yêu của tôi.
A! Biển cả
đã tràn vào trái tim tôi,
trong mỗi ngày tôi sống một trăm mùa hạ.
Hỡi bạn,
tôi đang ngắm nhìn khuôn mặt tôi trong bạn
khuôn mặt cái Thân Yêu của tôi.
Bài ca tình yêu của tôi là như thế.”
Tình yêu là gì?
Tình yêu là gì? Chúng ta hiện đang hiểu “tình yêu” một cách quá dễ dãi, đầy tính dục. Tình yêu đang bị đồng hóa với lạc thú. Và để khám phá mùi hương đó, người ta phải đi sâu vào câu hỏi về những gì không phải là tình yêu. Qua phủ định, bạn tới được cái xác định, không phải theo cách ngược lại. Qua phủ định cái không là tình yêu, bạn đi tới sự thật bao la, đó chính là tình yêu.
Theo cách này, tình yêu không là ghét bỏ, hiển nhiên rồi. Tình yêu không là khoa trương, ngạo mạn. Tình yêu không nằm trong tay của quyền lực. Những kẻ nắm quyền hành, ước ao quyền hành – dù đối với một em bé ngây thơ hay đối với một nhóm dân chúng hay đối với một quốc gia – thì chắc chắn không phải là tình yêu. Tình yêu không là lạc thú. Tình yêu không là ham muốn. Tình yêu chắc chắn không là ý nghĩ. Thế nên, bạn có thể bỏ qua mọi thứ ấy trong bạn: sự phù phiếm, cảm giác quyền lực dù là nhỏ nhất, nó chẳng khác gì sâu mọt? Bạn càng có quyền lực, bạn càng xấu xí và bởi thế, không có tình yêu. Khi bạn tham vọng, gây hấn – như bạn đã và đang được nuôi dưỡng mọi mặt để thành công, để nổi tiếng, để được biết đến – tất cả những việc làm này hết sức ấu trĩ – thì làm sao có thể có tình yêu? Như thế, tình yêu là cái gì đó không thể được mời mọc hoặc vun trồng.
Tình yêu tới một cách tự nhiên, dễ dàng khi không có những cái kia. Và trong khi tìm hiểu bản thân, người ta bắt gặp trạng thái này. Ở đâu có tình yêu, ở đó có lòng bi mẫn, và lòng bi mẫn có trí thông minh của nó...
Tình yêu không hoàn hảo cũng chẳng bất toàn; chỉ khi không có tình yêu thì hoàn hảo và bất toàn mới sinh khởi. Nỗi khao khát sự hoàn hảo, cả bên trong lẫn bên ngoài, đều chối bỏ tình yêu và khi không có tình yêu, dù ta có làm gì đi nữa thì cũng sẽ luôn có thất vọng và khổ đau. Tình yêu không bao giờ tìm cầu một điều gì hết; không làm cho bản thân nó trở nên hoàn hảo. Tình yêu là ngọn lửa không khói; trong nỗ lực hướng đến hoàn hảo có cả một đụn khói lớn; lúc đó sự hoàn hảo chỉ ở trong nỗ lực – cái có tính máy móc – càng ngày càng hoàn hảo hơn trong thói quen, trong sự bắt chước, và sinh ra nỗi lo sợ càng ngày càng lớn mãi. Mỗi người đều được giáo dục để cạnh tranh, để thành công; rồi kết quả là quan trọng hơn hết thảy. Tình yêu dành cho sự vật sẽ tự nó tan biến. Lúc đó nhạc cụ sẽ được sử dụng không phải vì tình yêu dành cho âm thanh mà chỉ vì những thứ nó có thể mang lại: danh tiếng, tiền bạc, quyền lực...
Tình yêu là ngọn lửa thuần khiết trong tâm
Chắc chắn, tình yêu không phải là một cái gì đó thuộc về tâm thức vốn thường vọng động; và do những thứ thuộc về tâm thức đã lấp đầy trái tim chúng ta, nên chúng ta không có tình yêu. Những gì thuộc về tâm thức là ganh tị, ghen ghét, tham vọng, khao khát trở thành một ai đó, khao khát thành công.
Những thứ thuộc về tâm thức này lấp đầy trái tim bạn, và rồi thì bạn nói rằng bạn đang yêu; nhưng làm sao bạn có thể đang yêu khi bạn bị tất cả những ý tưởng đảo điên này lấp đầy trái tim? Khi có khói, làm sao có được một ngọn lửa trong sáng thuần khiết? Tình yêu không phải là một thứ thuộc về tâm thức, và tình yêu là giải pháp duy nhất cho mọi vấn đề của chúng ta. Tình yêu không do tâm thức tạo nên, người đã tích lũy tiền bạc và kiến thức không bao giờ có thể biết đến tình yêu, bởi vì anh ta sống với những thứ có trong tâm thức; những hoạt động của anh ta thuộc về tâm thức, và anh ta chạm đến thứ gì thì thứ ấy trở thành một vấn đề, một sự hỗn loạn, một nỗi thống khổ.
Khi có tình yêu, bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn
Krishnamurti: Tình yêu không phải là ghét bỏ, không phải là tham vọng, cũng không phải là tinh thần tranh đấu với nỗi sợ thất bại. Nó không phải là tình yêu của Thượng Đế hay của con người – những thứ đó chỉ là phân mảnh. Tình yêu không của một hay nhiều người. Khi có tình yêu thì nó vừa riêng tư vừa không của riêng ai. Nó vừa có đối tượng vừa không có đối tượng. Nó giống như hương thơm của một bông hoa, ai cũng có thể ngửi. Cái quan trọng là hương thơm chứ không phải là nó thuộc về ai.
Người hỏi: Vậy thì sự tha thứ nằm ở đâu trong tất cả những điều này?
Krishnamurti: Khi có tình yêu thì sẽ không thể có sự tha thứ. Hành động tha thứ chỉ có khi bạn tích tập đủ oán hận. Tha thứ chính là oán hận. Khi không có vết thương thì không cần hàn gắn vết thương. Sự xao lãng nuôi dưỡng oán hận và ghét bỏ, rồi khi có ý thức về điều đó thì mới có tha thứ. Tha thứ khuyến khích chia rẽ. Khi bạn ý thức rằng mình đang tha thứ thì bạn đã phạm tội rồi. Khi bạn ý thức rằng mình đang bao dung thì bạn không bao dung. Khi bạn ý thức rằng mình đang im lặng thì không có im lặng. Khi bạn đang cố gắng yêu thương thì bạn đang thô bạo. Chừng nào còn có một người quan sát để bảo rằng tôi là cái này, không là cái kia thì không có tình yêu.
Người hỏi: Vậy sợ hãi có mặt ở đâu trong tình yêu?
Krishnamurti: Sao bạn lại có thể hỏi như vậy?! Khi có cái này thì không có cái kia. Khi có tình yêu, bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn.
“Ôi, cái Yêu Dấu của tôi,
bây giờ không còn chia cách
không cô đơn không buồn rầu, không tranh đấu
bất cứ nơi nào tôi đi
tôi mang theo sự vinh hiển của sự hiện diện của cái Thân Yêu
bởi vì, hỡi cái Yêu Dấu, Bạn và tôi là một.”
Trong muộn phiền, trong sung sướng,
Trong hoài nghi, trong ngờ vực,
Vượt lên gai góc, băng qua những cánh đồng
tươi tốt,
Lách trên vỉa hè của những phố thị đầy người.
Tôi đã biết
Từ chính nền tảng của trái đất
Vinh quang của Người,
Hiện hữu của Người,
Nhìn xem, tôi ở đâu,
Thì Người có ở đó,
Tĩnh lặng, an vui,
Ngập tràn thế giới của tôi -
Hiện thân của Chân lý.
Tôi là Chân lý,
Tôi là Pháp,
Tôi là Chốn nương tựa,
Tôi là Người dẫn đường, Bạn đồng hành
và Cái Yêu Dấu.