CON ĐƯỜNG CỦA TRÍ TUỆ
Nguyên tắc 1 - Nỗ lực đúng : Kiên trì một cách thư giãn
… Trong lời dạy của Đức Phật, suy nghĩ được coi là giác quan thứ sáu. Mỗi khi có một cảm giác được tiếp nhận, một “giác quan” — tức một “cánh cửa” cảm giác (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm) — tiếp xúc với một đối tượng (cảnh tượng, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm, suy nghĩ). Mỗi sự tiếp xúc ở mỗi giác quan khởi sinh một khoảnh khắc của ý thức, khi đó đối tượng được nhận biết.
Nỗ lực dành cho việc duy trì nhận biết không đòi hỏi quá nhiều năng lượng. Không khó để nhận biết, chỉ khó để nhận biết liên tục! Bạn không cần phải hay biết mọi chi tiết về trải nghiệm của mình. Chỉ cần tỉnh giác và hay biết về điều mà bạn đang nhận biết.
Có một điều quan trọng, là bạn không nên ráng sức, chẳng hạn như cố gắng để tập trung vào một đối tượng hay cố tạo ra một trạng thái tâm dễ chịu. Nỗ lực thái quá khiến chúng ta kiệt sức. Hãy bảo tồn năng lượng để bạn có thể duy trì thực hành trong suốt cả ngày…
Nguyên tắc 2 - Cái thấy đúng : Tâm là tự nhiên, không phải “Tôi”
… Tâm không phải là một bản thể (self). Tâm không mang tính cá nhân, không phải tôi, hay của tôi. Không có ai ở đó. Đây là góc nhìn đúng, và ta thực hành là để ngộ ra điều đó.
Góc nhìn đúng cần có mặt trong tâm thậm chí còn trước cả sự nhận biết, bởi nếu sự nhận biết thiếu góc nhìn đúng, bạn sẽ bị dính mắc vào tham, sân và si. Khi ta nhìn thật rõ vào “điều đang là” bằng cách thực hành nhận biết với góc nhìn đúng, trí tuệ bắt đầu nảy nở. Điều này khởi sự cho ta hình dung rõ ràng về cách mà mọi thứ đang là, vốn là bản chất của thực tại mà Đức Phật đã chỉ rõ. Đây là cách để phát triển góc nhìn đúng.
Thế giới quan đã bị điều kiện hoá và quán tính hoá của ta cho rằng tiến trình của tâm và thân này là “tôi”. Tôi đang nhìn “tôi”. Tôi biết “tôi”. Nhưng, ta không thể thiền để phát triển trí tuệ với góc nhìn này được. Nếu ta coi thân hay tâm là “tôi”, thì tham, sân và si sẽ khởi lên. Nếu ta nghĩ rằng mình đang có một trải nghiệm tốt đẹp, ta sẽ bắt đầu dính chấp vào trải nghiệm đó và cố tạo ra thêm những điều tương tự; đó là tham. Nếu ta cho rằng mình đang có một trải nghiệm tồi tệ, ta sẽ khởi sự chối bỏ nó, né tránh nó, hoặc đẩy nó ra xa; đó là sân. Nếu tâm bị phân tán và bỏ lỡ mọi thứ, hoặc bận rộn lý giải và bào chữa cho những ham muốn hay ghét bỏ của ta, đó là si…
Nguyên tắc 3 - Thái độ đúng : Quan sát trải nghiệm như nó đang là
… Thái độ đúng là chấp nhận, quan sát, và học hỏi từ trải nghiệm của bạn như nó đang là, một cách thư giãn và tỉnh táo. Đây là tâm thế đúng khi bước vào hành thiền. Tâm thế đúng là tâm tự do khỏi sự yêu, ghét tự động và vì thế có thể nhìn được mọi thứ rõ ràng như chúng là.
Có thái độ này khi hành thiền là cực kỳ quan trọng, vì nếu bạn cố gắng để có một trải nghiệm khác với những gì mà bạn đang trải qua, bạn sẽ không bao giờ nhìn rõ được khoảnh khắc hiện tại, và qua đó học về bản chất của thực tại.
Hãy tự nhắc mình rằng chỉ mỗi nhận biết không thì chưa đủ. Để sự nhận biết trở nên mạnh hơn, bạn còn cần phải có thái độ đúng, có tâm quan sát tự do khỏi ba gốc bất thiện. Bất cứ điều gì bạn đang trải qua trong khoảnh khắc này chính là trải nghiệm đúng...
NGÀY 1 - thư giãn
Thư giãn và nhận biết.
Nhiều thiền giả nghĩ rằng nhận biết tức là dồn nhiều năng lượng tập trung vào một đối tượng nào đó. Trong thực tế, những nỗ lực như thế tạo ra sự căng thẳng vì nó là kết quả của sự ráng sức để tạo ra một trạng thái tâm an lạc hay tích cực, vốn là gốc bất thiện của tham.
Thay vào đó, trong khi bạn duy trì trạng thái nhận biết liên tục về bất kỳ điều gì đang diễn ra, hãy giữ một sự cân bằng giữa thư giãn và hứng thú. Khi bạn thư giãn, bạn sẽ dễ nhận biết hơn, và nó sẽ trở thành một trải nghiệm đáng chú ý, dễ chịu và thú vị.
Vun bồi hứng thú của bạn với sự nhận biết bằng cách ghi nhận lúc nào thì sự hứng thú có mặt và lúc nào thì không. Hãy mang thêm sự hứng thú vào nếu nó đang bị thiếu.
Sự hứng thú rót thêm năng lượng cho tâm một cách tự nhiên, không căng thẳng, không đòi bạn phải tập trung hay ráng sức. Nó không đòi hỏi nỗ lực cá nhân, và vì thế ta có thể mang thêm hứng thú vào mà không mệt. Trong thực tế, quan sát theo cách này giúp ta có thêm năng lượng và niềm vui.
Nếu bạn tìm kiếm một kết quả hay mong muốn một điều gì đó xảy ra, bạn sẽ chỉ làm mệt mình mà thôi. Để thực hành liên tục thì việc bảo tồn năng lượng là rất quan trọng. Vì thế, hãy luôn thư giãn. Tâm thiền luôn thư giãn tự nhiên, tĩnh lặng, và bình yên. Vì thế khi bạn ở lại với tâm thiền, một cách tự nhiên bạn học cách không tập trung, kiểm soát, tạo ra, siết chặt, hay hạn chế điều gì.
Thiền là chấp thuận bất kỳ điều gì xảy ra, dễ chịu hay khó chịu, “tốt” hay “xấu”, và quan sát nó với tâm thái thư giãn. Vậy hãy thực hành thật thong thả, nhưng đừng dừng lại. Thường xuyên kiểm tra mình: bạn đang căng thẳng hay thư thái?
Kiểm tra tâm và thân.
Bất kỳ sự căng thẳng nào trong tâm hay thân đều chỉ ra rằng bạn đang muốn một điều gì, ghét một điều gì hay muốn nó đi chỗ khác, hoặc bạn đang bối rối vì một điều gì đó.
Bạn sẽ nhận ra rằng sự căng thẳng không bao giờ chỉ khởi sinh ở tâm mà thôi. Nếu tâm bất thiện gây ra sự căng thẳng trong tâm, thì nó cũng sẽ được phản chiếu lại bằng sự căng thẳng ở đâu đó trên thân. Thư giãn một cách có ý thức những chỗ căng thẳng trên thân ấy là một cách để thiền.
Tâm nhận biết mà chúng ta đang hướng tới là không cần tác động. Chúng ta không đào bới để tìm kiếm nó. Chúng ta chỉ đơn giản nương tựa vào dòng chảy nhịp nhàng của tự nhiên.