Gọi là Pháp, tức là tâm chúng sanh. Tâm này nhiếp tất cả pháp thế gian và pháp xuất thế gian. Y vào tâm này, hiển thị nghĩa rộng lớn của Đại thừa. Vì sao thế?
* Tướng Chân Như của tâm này chỉ ra Thể của Đại thừa.
* Tướng nhân duyên sanh diệt của tâm này chỉ ra Thể, Tướng, Dụng của Đại thừa.
Pháp tức là tâm chúng sanh mà mỗi người đang có ở đây. Tu hành Pháp tức là tu hành cái tâm chúng sanh mỗi người đang có này. Tâm ấy mà thanh tịnh là thánh, là Niết bàn; tâm ấy mà rối loạn, phiền não là phàm, là sanh tử.
Tâm chúng sanh nhiếp tất cả pháp thế gian và pháp xuất thế gian, nghĩa là nơi tâm chúng sanh có cả tâm sanh tử và Tâm Chân Như. Hành là thấy nơi tâm chúng sanh này có Pháp, có Đại thừa, có Tâm Chân Như. Thấy được Tâm Chân Như thì mới bắt đầu con đường tu hành, vì tu hành là mở rộng Tâm Chân Như, để Tâm Chân Như chiếm lĩnh tâm sanh tử cho đến trọn vẹn.
“Pháp tức là tâm chúng sanh, y vào tâm chúng sanh này, hiển thị nghĩa Đại thừa”, nghĩa là tâm chúng sanh chính là Tâm Chân Như, chính là Đại thừa. Chỉ vì vô minh phân biệt hư vọng mà Tâm Chân Như biến thành tâm chúng sanh tạo ra sanh tử khổ đau nhưng đó chỉ là hư vọng thấy ra. Tâm Chân Như, Đại thừa vốn có nơi tâm chúng sanh như viên ngọc như ý sẵn có nơi thân tâm mỗi chúng sanh, đây là điều những kinh Đại thừa đều nói, như Kinh Pháp Hoa, Kinh Đại Bát Niết Bàn, Kinh Lăng Nghiêm.v.v.
“Tướng Chân Như của tâm này chỉ ra Thể của Đại thừa”: Thật tướng của tâm này chính là Chân Như, chính là Thể của Đại thừa. Một câu này gồm đủ cả Văn (nghe, đọc, nghiên cứu), Tư (tư duy, suy nghĩ), và Tu (thực hành), ba cái này tạo thành con đường Phật giáo. Dùng thuật ngữ của Kinh Pháp Hoa, thì các thiện tri thức khai thị cho người “tướng Chân Như của tâm này”, và người học ngộ nhập sự thật ấy.
“Tướng nhân duyên sanh diệt của tâm này chỉ ra Thể, Tướng, Dụng của Đại thừa:” Chân Như có cả Thể, Tướng, Dụng, chứ không chỉ là thường hằng, bất động, bất biến. Nếu bất động bất biến thì làm gì có thế giới, chúng sanh? Thể của Tâm Chân Như là không thuộc nhân duyên, nên không sanh không diệt, không phân biệt, như một tấm gương. Tấm gương Tâm Chân Như là không phân biệt, bình đẳng ở mọi lúc, mọi nơi chốn. Nhưng một tấm gương mà không có hình bóng gì, không phản chiếu được gì thì vô dụng, không thể gọi là một tấm gương.
Tấm gương là không phân biệt, bình đẳng nhưng vẫn để cho mọi hình tướng sai biệt, sanh diệt in bóng vào đó. Ba cõi, sáu nẻo duyên nghiệp của chúng sanh cho đến những cõi Tịnh độ của chư Phật đều in bóng vào, đều có mặt trong tấm gương tròn sáng ấy. In bóng, phản chiếu bất kỳ hình tướng khác biệt nào nhưng tấm gương không bị ô nhiễm bởi bất kỳ hình bóng nào vì chúng chẳng thể nào dính cứng vào gương. Gương không đến không đi, không sanh không diệt, không tăng không giảm, không dơ không sạch còn các bóng là “nhân duyên sanh diệt”, có đến có đi, có sanh có diệt, có tăng có giảm, có dơ có sạch.
Thánh và phàm cũng đồng một Tâm Chân Như như tấm gương này, nhưng với chúng sanh tấm gương Chân Như ấy bị vô minh làm cho ô nhiễm, khiến các bóng dính cứng vào đó, tạo thành thế giới của sanh tử. Còn các bậc thánh thì tấm gương không bị ô nhiễm, những cái Dụng sai biệt không thể làm nhiễm ô tấm gương, nên toàn bộ tấm gương và tất cả những hình bóng của nó là giải thoát, là Niết bàn.
Sự khác biệt giữa phàm và thánh là: phàm phu phân biệt và chết cứng trong sự phân biệt của mình. Còn thánh thì khi sống trong đời cũng khởi tâm phân biệt, nhưng phân biệt trên nền tảng không phân biệt, nên phân biệt ấy cũng là không phân biệt, do đó mà giải thoát. Một thí dụ, khởi tâm phân biệt của một người giải thoát thì giống như một làn sóng khởi lên trên đại dương, khởi lên rồi tan biến lại vào đại dương, không để lại dấu vết.
Tóm lại, tu hành Tâm Chân Như không phân biệt, bình đẳng là sao? – Là không để cho một ý tưởng, một hình tướng, một cảm xúc.v.v. nào khởi lên chia cắt Tâm Chân Như thành hai mảnh và sau đó thành nhiều mảnh. Nếu chúng có khởi thì tức khắc được khép lại, như ở trong nước dù có cắt đứt thành một khoảng trống nhưng tức khắc nước khép lại liền. Như thế Tâm Chân Như không bị chia cắt bởi ý tưởng, hình tướng phân biệt, và luôn luôn là tâm đại, tâm rộng lớn.
“Thành nghiệp tự nhiên” nghĩa là trí Phật là nghiệp tự nhiên, xưa nay vẫn vậy. Chân Như là nghiệp tự nhiên, xưa nay vẫn vậy. Nghiệp tự nhiên của trí Phật gồm Căn bản trí hay Vô phân biệt trí và Hậu đắc trí hay Phân biệt trí.
Tóm lại, tu hành là để thấy như thật, thấy thật tướng của tất cả tâm và cảnh. Tâm và cảnh gồm trong một niệm; một niệm có đủ cả tâm lẫn cảnh. Cho nên tu hành là thấy thật tướng của một niệm. Thật tướng ấy là không có tâm, không có cảnh. Thật tướng của một niệm là vô niệm, không có cái thấy, không có cái được thấy, là không có phân biệt, là Không. Một niệm đã là Không, vô sanh thì tu cho đến lúc tâm gồm tất cả các niệm đều Không, vô sanh.
Ở trên là tu từ tướng vào tánh. Còn “tự tin vào tánh mình” rồi tập an trụ trong tánh thì sẽ thấy các tướng là Không, như huyễn, vô sanh. Đây là tu từ tánh ra tướng. Hai cách này cần đắp đổi luân phiên cho nhau một cách liên tục, cho đến rốt ráo, trở lại bản tánh, bản tâm của chính mình.