đặt mua 

đọc thử

Suzanne Simard là một nhà sinh thái học người Canada và tiến sĩ ngành Khoa học Lâm nghiệp. Nghiên cứu tiên phong của bà tập trung vào mạng lưới nấm rễ cộng sinh – loại nấm ngầm kết nối cây cối. Công trình đột phá này đã tiết lộ bản chất liên kết của hệ sinh thái rừng, thách thức ý kiến rằng cây là các thực thể đơn độc. Bà đưa ra khái niệm “Cây Mẹ”, nêu bật vai trò then chốt của chúng trong việc nuôi dưỡng những cây con. Trí tuệ và sự tận tâm với rừng đã giúp Simard trở thành một nhà nghiên cứu được yêu mến và nhận được nhiều giải thưởng danh giá; bài diễn thuyết TED Talk của bà đã thu hút hàng triệu người, giúp công chúng hiểu được tầm quan trọng của hành vi hợp tác trong hệ sinh thái rừng.

Suzanne Simard

Bắt đầu từ nỗi lo lắng từ sâu thẳm về tương lai của rừng trên Trái Đất, Suzanne Simard – lúc bấy giờ chỉ là nhân viên của một công ty khai thác gỗ – đã dấn bước vào một hành trình nghiên cứu, tìm tòi cách cứu lấy những cánh rừng. Hành trình ấy hóa ra lại là khởi đầu cho một công trình cả đời của bà, khai mở những bí mật của rừng, đặc biệt là hệ thống mạng lưới thông tin phức tạp dưới lòng đất giữa các cây. Chuyến phiêu lưu ấy được liên tục tiếp năng lượng từ tính cách tò mò đã có từ tuổi thơ của Simard.

Trí tuệ của rừng như một cuốn phim ghi lại những động lực, trăn trở, thành công, gục ngã, tình yêu và nước mắt của Giáo sư – Nhà khoa học Suzanne Simard. Những trang viết gần gũi và đong đầy tình cảm đã trở thành lời vẫy gọi độc giả vào thế giới đầy mê hoặc dưới tán cây rừng. Một cách dịu dàng, Simard đã làm sáng tỏ sự tinh vi của mạng lưới nấm rễ cộng sinh, nơi vòng tay nuôi dưỡng của cá thể cây được gọi là Cây Mẹ hòa hợp với cả một vạt rừng. Bà như chàng Odysseus phiêu dạt trong những cánh rừng British Columbia, mang về những câu chuyện đầy rung cảm xoay quanh những phát hiện khai phóng bên cạnh tình thân gia đình và bè bạn. Sự chân thành của Simard thì thầm trên các trang giấy, bà đã nâng niu những khu rừng của mình bằng lòng trắc ẩn.
Cây không thể sống một mình trong rừng, cũng như người, không thể sống một mình trong xã hội. Phải chăng con người nên học cách "cộng sinh" giống như loài cây?

giới thiệu tác giả

lời mời đọc cuốn sách

thông tin cuốn sách

  • Tên sách: Trí Tuệ Của Rừng - Khám phá trí thông minh và ngôn ngữ của loài cây
  • Khổ sách: 15,5 x 24 cm
  • Số trang: 472 trang
  • Nhà xuất bản: Dân Trí
  • Giá bìa: 288.000 vnđ
  • Giá ưu đãi: 245.000 vnđ (-15%)

Miễn phí vận chuyển toàn quốc

cuốn sách dành cho

  • Những người đam mê nhiên nhiên, cây cối và hệ sinh thái… sẽ hứng thú với thế giới ẩn giấu bên dưới tán rừng.
  • Những người làm vườn và chăm sóc cây… sẽ học hỏi được từ Trí tuệ của rừng về cách cây giao tiếp và hỗ trợ lẫn nhau.
  • Những người quan tâm đến lâm nghiệp bền vững, tái trồng rừng và quản lý đất đai… sẽ được tìm hiểu thêm về cách ta nên tương tác và chăm sóc tài nguyên thiên nhiên.
  • Những nhà nghiên cứu về môi trường và nhà bảo tồn… sẽ thấy cuốn sách này rất sâu sắc, đồng cảm và kích thích tư duy.
  • Những nhà giáo dục và sinh viên ngành khoa học môi trường, lâm nghiệp, sinh học hoặc các ngành liên quan… có thể dùng Trí tuệ của rừng như một nguồn tài nguyên quý giá.
  • Bất kỳ ai tò mò về thế giới tự nhiên, hệ sinh thái và mạng lưới phức tạp của cuộc sống trong rừng đều có thể thưởng thức Trí tuệ của rừng.
  • Những ai muốn tìm cách sống hòa hợp giống như các loài cây.

Đây không phải là cuốn sách nói về cách chúng ta có thể cứu cây cối.
Đây là cuốn sách nói về cách cây cối có thể cứu chúng ta

Rừng là mạng lưới kết nối về trí tuệ, tri giác và khả năng chữa lành

ĐẶT MUA SÁCH

Cảm ơn bạn đã ủng hộ Sách Thiện Tri Thức!

ĐẶT MUA SÁCH TẠI ĐÂY

trích đoạn sách hay

Mục lục
Đôi lời từ tác giả
Giới thiệu: Những mối liên kết
1. Bóng ma trong rừng
2. Những gã tiều phu
3. Khát khô
4. Bị lùa lên cây
5. Đầu độc đất
6. Đầm lầy gỗ trăn
7. Cuộc cãi vã ở quán rượu
8. Phóng xạ
9. Có qua có lại
10.Tô màu lên đá
11. Quý Cô Bạch Dương
12. Chín tiếng luân phiên
13.Lấy mẫu lõi
14. Những ngày sinh nhật
15. Chuyển giao chiếc đũa thần
Phần kết: Dự án cây mẹ
Lời cảm ơn

Lễ Tạ ơn năm ấy, tôi lái xe về nhà, ngang qua những bãi đất trống khi những chiếc cưa máy đang đốn hạ những Cây Mẹ bị bọ cánh cứng xâm thực, trước khi hạt của chúng nảy mầm trong lớp thực vật phân hủy đã bị xới tung lên. Những đống cành lá của cây già chất sừng sững, cao ngang những tòa nhà chung cư, những con đường vào đan chéo các thung lũng và những con lạch bị bùn cát bít kín. Những cây con đứng yên trong những ống nhựa màu trắng như những cây thánh giá.
Các vết nứt lồ lộ.
Tôi xuất thân từ một gia đình toàn những người khai thác gỗ, và tôi ý thức rất rõ rằng chúng tôi cần cây xanh để làm kế sinh nhai. Nhưng chuyến đi nghiên cứu cá hồi của tôi đã cho thấy khi bạn lấy thứ gì đó thì bạn phải có nghĩa vụ trả lại. Cuối cùng, tôi ngày càng bị mê hoặc bởi câu chuyện xưa do Subiya, người nói về cây cối như con người, kể lại. Không chỉ với một loại trí thông minh – hơi giống với con người chúng ta – mà thậm chí là phẩm chất tinh thần có lẽ không khác gì chúng ta.
Không chỉ đơn thuần là tương đương với người, với cùng các phương diện. 
Chúng là con người.
Những Cây Người.
Tôi không có khả năng nắm bắt đầy đủ tri thức của thổ dân. Tri thức này đến từ một phương thức hiểu biết về Trái Đất – một nhận thức luận – khác với nhận thức luận của chính tôi. Nó nói về sự hòa hợp khi hoa bitterroot nở rộ khoe sắc, sự di cư của cá hồi, những chu kỳ của Mặt Trăng. Về việc chúng ta biết mình gắn liền với đất – cây cối và động vật, đất và nước – và với nhau, chúng ta có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc cho những mối kết nối và tài nguyên này, đảm bảo tính bền vững của các hệ sinh thái này cho các thế hệ tương lai và để tôn vinh những thế hệ đi trước. Về việc bước đi một cách nhẹ nhàng, chỉ lấy đi những món quà mà chúng ta cần, và đáp lại. Về việc thể hiện sự khiêm nhường trước tương lai và khoan dung vì tất cả chúng ta đều kết nối trong vòng tròn cuộc sống này. Nhưng thứ mà những năm tháng trải nghiệm trong ngành lâm nghiệp cũng đã cho tôi thấy là có quá nhiều người ra quyết sách đã từ bỏ phương thức nhìn nhận tự nhiên này và thuần túy dựa trên những phần chọn lọc của khoa học. Sự tác động của điều này đã có sức tàn phá đến nỗi không thể làm ngơ được nữa. Chúng ta có thể so sánh điều kiện đất đai ở nơi nó bị chia cắt, mỗi nguồn tài nguyên được xử lý tách biệt với phần còn lại, với nơi đất đai được chăm sóc theo nguyên tắc k’wseltktnews của người Secwepemc (được dịch là “tất cả chúng ta đều có quan hệ với nhau”) hay khái niệm nə́c̓aʔmat ct của người Salish (“chúng ta là một”).
Chúng ta phải lưu ý đến những câu trả lời mà mình đang được trao gửi.
Tôi tin rằng kiểu tư duy chuyển biến này là thứ sẽ cứu vớt chúng ta. Đó là một triết lý coi các sinh vật trên thế giới, những món quà của thế gian, có tầm quan trọng ngang với mình. Triết lý này bắt đầu bằng việc nhận ra cây cối và thực vật có khả năng hành động độc lập và tự quyết. Chúng lĩnh hội, liên hệ và giao tiếp; chúng thực hiện các hành vi khác nhau. Chúng hợp tác, ra quyết định, học hỏi và ghi nhớ – những phẩm chất chúng ta thường gọi là sự kiên định, sự thông thái, trí thông minh. Bằng cách ghi nhận cách cây cối, động vật và thậm chí cả nấm – bất kỳ và tất cả những loài không phải con người – sở hữu khả năng và quyền tự chủ này, chúng ta có thể thừa nhận chúng xứng đáng nhận được nhiều sự quan tâm như chúng ta ban cho chính bản thân mình. Chúng ta có thể tiếp tục khiến cho Trái Đất của mình mất cân bằng với sự gia tăng khí thải nhà kính mỗi năm, hay chúng ta có thể tái lập sự cân bằng bằng cách thừa nhận rằng nếu mình làm hại một giống loài, một khu rừng, một hồ nước thì biến động đó sẽ lan ra toàn bộ mạng lưới liên hợp. Việc đối xử sai cách với một giống loài chính là đối xử sai cách với tất cả mọi giống loài.
Phần còn lại của hành tinh xanh vẫn đang kiên nhẫn chờ đợi chúng ta nhận ra điều đó.
Việc tạo ra sự biến đổi này đòi hỏi con người phải tái kết nối với tự nhiên – những khu rừng, thảo nguyên, đại dương – thay vì đối xử với mọi thứ và mọi giống loài như những đối tượng để bóc lột. Điều đó có nghĩa là mở rộng những phương thức hiện đại, nhận thức luận và phương pháp luận khoa học của chúng ta để chúng bổ sung, tích lũy và phù hợp với tri thức cội rễ của thổ dân. Việc chặt phá rừng và khai thác sông ngòi để thực hiện ước mơ hoang đường nhất về của cải vật chất chỉ vì chúng ta có khả năng làm vậy giờ đây đã bắt chúng ta phải trả giá.
Tôi băng qua sông Columbia tại làng Castlegar, chỉ cách nhà nửa giờ đồng hồ, với tâm trạng nóng lòng muốn gặp Hannah và Nava, tôi cảm thấy biết ơn vì Mary đã đi về phía bắc để có mặt vào dịp Lễ Tạ ơn của Canada. Nước sông ở mức thấp, dòng chảy tự nhiên được kiểm soát bởi các đập Mica, Revelstoke và Hugh Keenleyside phía thượng nguồn – 3 trong số 60 con đập ở lưu vực sông Columbia. Những con đập này đồng nghĩa với sự biến mất của cá hồi từ vùng hồ Arrow Lakes và những cơn lũ quét qua các làng mạc, các khu nghĩa trang và những tuyến đường thương mại của tộc Sinixt, tộc có lãnh thổ từ thời tổ tiên trải dài từ dãy núi Monashee về phía đông cho đến vùng Purcells và từ đầu nguồn Columbia tới bang Washington. Tôi tự hỏi vùng đất này có dáng vẻ như thế nào trước khi chính quyền Canada tuyên bố người dân Sinixt đã tuyệt chủng, rồi sau đó xây đập, triệt phá rừng và khai thác mỏ trên vùng đất của họ. Dẫu vậy, người Sinixt rất kiên cường, họ tiếp tục duy trì whuplak’n – luật của đất đai – cùng nhau hợp tác để giúp khôi phục lưu vực sông Columbia. 
Tôi về đến nhà, trăng đã treo cao trên những rặng núi tuyết, nơi Mary và cả gia đình đã đoàn tụ. Lễ Tạ ơn này hóa ra đặc biệt đáng nhớ, bởi lẽ những ngọn nến có hương trà trên bàn đã bị đổ và ngọn lửa bắt đầu liếm quanh chú gà tây. Tôi ngước nhìn lên trong khi khuấy nước sốt vào lúc Don – bạn gái mới của anh đang chơi cùng con riêng của cô ấy – hắt nồi nước cho những mầm cải brussel lên con gà tây đang cháy, còn Robyn và Bill dội nước lên chỗ khăn ăn bằng rượu vang từ ly của họ. Bà yêu Junebug mang theo món bánh xốt kem của mình, đi ngang qua Oliver đang đọc cuốn truyện Harry Potter trên sàn nhà. 
Gia đình. Trong tất cả mọi sự không hoàn hảo cùng những lần vấp ngã và những ngọn lửa nhỏ của nó. Chúng ta ở đó vì nhau khi cần. 
Bất chấp những rừng cây bị triệt hạ và những lo lắng của tôi về công việc và tình hình biến đổi khí hậu, sức khỏe của bản thân và các con cùng mọi thứ khác, kể cả đám cây cối yêu quý của tôi, thật tuyệt, đơn giản là tuyệt vời, khi được trở về nhà, tất cả chúng tôi quây quần bên nhau. 
Hannah theo tôi tiến vào lùm cây hemlock giữa những tảng đá bên dưới hố đen trong vách đá – một cánh cổng dẫn đến hàng kilomet đường hầm mà những người thợ mỏ cho nổ mìn sâu vào núi cách đây một thế kỷ để tìm đồng và kẽm. Chúng tôi đào một cái hố đất giữa đám cây, một vài hạt khoáng có màu xanh lá, những hạt khoáng khác bị gỉ sét, chúng tôi bảo vệ hai tay bằng găng tay phẫu thuật, cánh tay được che chở bởi áo dài tay. Nước rỉ ra từ các cánh cổng chứa đầy đồng, chì và các kim loại khác và chính những thứ này đã làm ô uế nền rừng. Các kim loại kết hợp với sunfua trong quặng với sự trợ giúp của vi khuẩn để hình thành dòng thải axit đá, dòng chảy này ngấm từ những đống đá thải loại đi sâu vào trong đất. Ấy vậy mà cây cối vẫn đang phát triển nơi đây, ngay cả khi sinh trưởng chậm, chúng vẫn cố gắng hết mình để tiếp nguồn nhiên liệu cho quá trình hồi phục khu rừng. 
Đó là mùa hè năm 2017. Chúng tôi có mặt tại mỏ Britannia – cách Vancouver 45 kilomet về phía bắc trên bờ biển Howe Sound thuộc lãnh thổ chưa từng được chuyển giao của người Squamish – mỏ lớn nhất ở Đế quốc Anh, được mở vào năm 1904 để khai thác các thân quặng hình thành khi dung nham núi lửa chảy tràn qua mặt đá trầm tích, và hỗn hợp của sự biến đổi này tiếp xúc với sự xâm nhập của magma. Những người thợ mỏ đã khai thác đá ở những chỗ đứt đoạn và đứt gãy giàu quặng, đào xuyên qua núi Britannia, từ mạn Britannia Creek ở sườn bắc đến mạn Furry Creek ở sườn nam, có diện tích khoảng 40 kilomet vuông. Họ để lại 24 chiếc cổng cho 210 kilomet đường hầm và hầm lò kéo dài từ mức 650 mét dưới mực nước biển lên đến độ cao 1.100 mét trên mực nước biển. 
Những người đàn ông đã vận chuyển quặng từ bên trong núi theo đường ray xuất hiện vào ban ngày ở cổng, nơi họ chất quặng lên xe ray và đường xe điện, để lại đá thải loại chất thành đống. Ngay cả sau khi mỏ đóng cửa vào năm 1974, nơi đây vẫn là một trong những nguồn ô nhiễm kim loại lớn nhất đối với môi trường biển ở Bắc Mỹ. Phế phẩm và đá thải loại được người ta dùng để lấp vào bờ biển và vùng Britannia Creek có chứa hàng cân đồng, dòng nước trông trong veo nhưng không tồn tại sự sống chảy vào Howe Sound, tiêu diệt sự sống đại dương trong ít nhất 2 kilomet dọc bờ biển. Nước ở vùng Britannia Creek độc hại đến mức khi mỏ đóng cửa, cá hồi Chinook khi được đưa vào đã chết trong vòng 48 giờ. Sau nhiều năm khắc phục, cá hồi đã trở lại đẻ trứng thành công ở khu vực Britannia Creek, và bờ biển tại Britannia Beach đã có lại sức sống với sự hiện diện của thực vật và động vật không xương sống trên những tảng đá, cá heo và cá voi sát thủ ở Howe Sound. 
Đây là những dấu hiệu cho thấy Trái Đất có thể tha thứ cho con người. 
Tôi đến đây cùng Hannah theo yêu cầu của nhà độc chất học môi trường Trish Miller để đánh giá tác động từ những đống đá thải loại đối với khu rừng xung quanh. Các tác động không chỉ riêng rẽ với các con lạch mà đã tiến xa hơn vào khu rừng, và cô ấy muốn có một đánh giá sâu rộng hơn so với mức bình thường. Tôi đã chớp lấy cơ hội được làm việc cùng Trish vì đã nghe cô ấy nói về chuyện khắc phục môi trường trong nhiều năm với tư cách là bạn bè từ thuở lũ trẻ nhà chúng tôi còn bé. Tôi cảm thấy hiếu kỳ, muốn khám phá khả năng của rừng cây trong việc chữa lành một hệ sinh thái bị tàn phá, của những cây cổ thụ gieo mầm vào Trái Đất thô sơ, của mạng lưới nấm và vi sinh vật để hàn gắn những tổn hại. Cây cối sinh trưởng tốt như thế nào trong quầng sáng của những khu rừng ô nhiễm kim loại quanh những đống đá thải loại? Có phải rừng đang hồi phục hay không? Chúng ta có nên hỗ trợ thêm điều gì không, hay khu rừng có thể chậm rãi tự chữa lành? 
Rừng có thể chịu đựng một vết thương sâu sắc đến đâu trước khi việc chữa lành không còn khả thi nữa? 
Hannah và tôi đã tìm thấy những cánh cổng ẩn giữa những đám cây hemlock, những lớp khăn choàng của đám cây bao bọc những cánh cổng đang há miệng dẫn đến các hang động. Các cây trăn và bạch dương lót đệm các con đường hầm mỏ đào tay và đường ray dẫn từ các đường hầm nằm cao trong các khe núi đến nhà máy phân tách ở bờ biển bên dưới. Rêu và địa y bao phủ các trại ngủ nghỉ của những người thợ mỏ, còn các địa điểm trong thị trấn nơi gia đình họ sinh sống đều tĩnh lặng. Chất mùn trong khu rừng bao xung quanh các đống đá thải cằn cỗi hơn những khu rừng không bị ô nhiễm quanh đó, nhưng đám rễ cây đã quấn lấy những tảng đá lộ ra, và một đám đỗ quyên cùng cây kim ngân đen và dương xỉ diều hâu chuộng axit đã tìm được chỗ đặt chân vững chắc. Khi chúng tôi đứng dưới những cành cây hemlock đang nhỏ nước mưa tong tỏng, tôi cảm thấy rằng nếu có bất kỳ nơi nào Trái Đất sở hữu sức mạnh chữa lành thì nơi đó sẽ là ở đây, trên bờ biển Thái Bình Dương, một trong những khu rừng mưa năng suất nhất trên thế giới. 
Đây cũng là cơ hội để Hannah thấy cách đánh giá sự tàn phá – đối với cây cối, đất và rêu – và khả năng phục hồi của mẹ thiên nhiên, ngay cả khi huyết mạch của nó trên bề mặt đã chảy máu. Quy mô của những đống đá thải loại này chưa là gì so với một khu rừng bị triệt hạ rộng hàng trăm mét, hàng ngàn khu rừng bị đốn hạ quần tụ trên các thung lũng và hàng ngàn mỏ đồng lộ thiên trên khắp thế giới. Sự xáo trộn do nạn triệt phá rừng thật thảm khốc, nhưng rừng có thể dễ dàng phục hồi khi nền rừng còn nguyên vẹn, trong khi việc loại bỏ đất và kim loại khai thác từ sâu bên trong lòng đất lại có tác động lâu năm đến rừng và sông suối. 
“Thật tốt khi cây cối đang quay trở lại.” Hannah nói trong khi đang đếm số vòng năm tuổi của một cây hemlock tây cỡ nhỏ. Đó là một trong số hàng chục cây – xếp hàng như những người lính bộ binh – đã tìm thấy một khoảng đặt chân nho nhỏ trong khúc gỗ mục nát. Hạt giống của chúng đã phân tán từ những khu rừng khỏe mạnh liền kề, rễ của chúng tìm thấy chỗ dựa trong những thân gỗ mục nơi những sinh vật cộng sinh dạng nấm hấp thụ lượng dinh dưỡng khan hiếm, sợi xenlulo xốp thấm hút nước và ánh sáng xuyên xuống thành tia mỏng từ tầng cây trên cùng. Cây của Hannah đang sinh trưởng với tốc độ chỉ bằng nửa những cây già gần đó – rễ cây cắm nông hơn, tán thưa hơn – nhưng tôi biết nó sẽ sống sót. Gabriel, sinh viên khóa thạc sĩ của tôi, đã phát hiện ra ngay cả những cây hemlock non có rễ bám chặt vào các thân gỗ già cũng có thể kết nối với các Cây Mẹ gần đó và nhận được carbon từ những tán lá mạnh mẽ cho đến khi bản thân có thể tự cung tự cấp. Cộng đồng thực vật ở tầng dưới tán này cũng đang phục hồi, với một nửa số cây bụi và thảo mộc già cỗi giờ đây xuất hiện thành từng mảng nhỏ, hầu hết chúng đều là loài ưa axit, như cây hemlock đang từ từ biến đổi đất và thúc đẩy nhanh chu kỳ dinh dưỡng. Những thông tin phản hồi này vô cùng quan trọng trong việc giúp cho cây cối lấy lại động lực sinh trưởng của chúng. Trong hố đất, tôi đo chiều sâu của nền rừng – những lớp cành lá vụn, chất lên men và mùn – và chúng đã dày bằng khoảng một nửa chiều sâu nền của những khu rừng khỏe mạnh liền kề. 
Khi tôi bóc lại nền rừng để xem xét lớp đất khoáng bên dưới, một con rết màu đồng, to như con kỳ giông, oằn mình trên tay tôi. “A!” Tôi hét lên, ném con vật chân đốt vào một thân gỗ, nó rơi nhào xuống chỗ có ít đất mùn. Con rết tỏ ra cực kỳ giận dữ, luồn lách nhanh đến nỗi khiến cho đất bị xào xáo lên. Một dấu hiệu – một dấu hiệu đáng kinh ngạc – cho thấy nền rừng đang hồi phục. Con rết đào bới khuất tầm nhìn để tiếp tục công việc trong ngày, ăn những con bọ nhỏ hơn, những con bọ nhỏ đó lại ăn những con thậm chí còn nhỏ hơn nữa, và cứ thế ăn rồi bài tiết, chuyển hóa chất dinh dưỡng, tạo thành một chuỗi hành động giúp cây cối phát triển. Hannah và tôi đã ăn bánh quy nhân hạt socola trước khi đo và ghi chép lại độ sâu và kết cấu của đất, chiều cao và tuổi của cây cối, các loài và lớp phủ của thực vật, những dấu hiệu của các loài chim và động vật. 
Chúng tôi lái xe lên núi xa hơn 5 kilomet nữa, khảo sát thực vật và đất trên một sườn núi dốc toàn đá thải loại, góc nghiêng 70 độ dốc đến mức người ta phải treo dây thừng để giúp công nhân trượt xuống. Phần mái taluy gần như trơ trụi ở giữa, chỉ lưa thưa vài gốc cây địa y chen qua những mảnh đá vỡ cùng những ngọn cỏ lẻ loi cắm rễ. Những mầm cây hemlock đã tìm ra một hạt mùn để cắm rễ có dáng vẻ nhợt nhạt ốm yếu – úa vàng – do không có đủ nitơ, tình cảnh này khiến tôi nhớ đến những cây con nhỏ úa vàng trên dãy núi Lillooet cách đây rất lâu. Hannah bắt kịp theo tôi khi chúng tôi lò dò đi qua mái taluy dốc. Những cây hemlock được gieo hạt từ vùng lân cận các Cây Mẹ trông càng lúc càng tràn trề sức sống khi chúng tôi tiếp cận đường giới hạn bìa rừng. Tại bìa rừng, trong màn sương mù bao phủ, những cây non lớn hơn, tán lá rực rỡ hơn, những nấm quả thể rễ cộng sinh quấn lấy khoáng chất, tự tạo dựng đất. Từng chút một, với sự giúp đỡ của những Cây Mẹ, những sinh vật – nấm và vi khuẩn, thực vật và rết – cùng nhau làm việc để chữa lành những vết thương của nơi chốn hùng vĩ đã bị khai thác này. 
“Việc mang đất từ rừng già vào cũng sẽ có ích.” Tôi nói, nhớ lại cách bà Winnie xây dựng khu vườn của mình bằng phân ủ, chôn lòng của những con cá ông Bert bắt được dưới gốc cây mâm xôi, rất giống với người Heiltsuk cùng những con gấu và chó sói nuôi dưỡng những cây tuyết tùng Tổ bằng xương của cá hồi, trả lại và hoàn thành chu kỳ. Tôi xin thề rằng những quả mọng nơi bà đã chăm bón là ngọt nhất. Tôi thích việc Hannah theo chân tôi cũng giống như tôi đã theo chân bà qua những mảnh ruộng ngô và khoai của bà. 
“Mẹ cũng có thể trồng cây bạch dương và gỗ trăn ở đây.” Hannah nói, cô bé gợi ý chúng tôi thu thập hạt giống từ những cây gỗ trăn dọc theo dòng chảy và những cây bạch dương dọc theo con đường khai thác mỏ cũ. 
“Ý hay đấy.” Tôi nói. “Và trồng theo cụm, không phải theo hàng.” Cây cối cần ở gần bên nhau để tạo ra loại đất dễ hấp thụ, để cùng nhau xây dựng nên hệ sinh thái, hòa mình cũng những loài khác, liên kết theo những mô thức tạo ra một mạng lưới bao trọn cả khu rừng, bởi lẽ khu rừng sẽ dễ hồi phục hơn từ mô thức phức tạp này. Các nhà khoa học hiện nay ngày càng sẵn lòng nói rằng rừng là hệ thống thích nghi phức tạp, bao gồm nhiều giống loài có thể điều chỉnh và học hỏi, hệ thống đó bao gồm các di sản như những cây cổ thụ ngân hàng hạt giống và thân cây gỗ đã đổ. Những bộ phận này tương tác trong các mạng lưới năng động đầy phức tạp với các phản hồi thông tin và sự tự tổ chức. Các đặc tính cấp hệ thống xuất hiện từ đây chồng chất với nhau tạo thành kết quả lớn hơn tổng đặc tính của các phần. Các thuộc tính của một hệ sinh thái hòa nhịp thở cùng với sức khỏe, hiệu suất, vẻ đẹp và tinh thần. Không khí sạch, nước tinh khiết, đất đai màu mỡ. Rừng cây liên hệ mật thiết với công năng chữa lành theo cách này và chúng ta có thể ra tay giúp đỡ nếu tuân theo sự dẫn dắt của Mẹ Rừng. 
Chúng tôi đi đến gò đất đá thải loại ở cổng trên cùng, những vụ nổ tạo ra một lằn sẹo to như cái hang, cao rộng vài trăm mét, đá thải loại chất thành từng đống ở chân núi. Không khí loãng hơn, những đám mây cuồn cuộn trên những ụ đá granite, những cơn mưa lạnh buốt trút xuống chúng tôi. Những cây hemlock núi xung quanh cánh cổng vẫn tràn trề sức sống, những chiếc lá kim của chúng mượt như nhung, cành rũ rượi vì gió, ngọn cây oằn mình bởi hàng tấn tuyết. Rễ cây tỏa ra bên dưới thảm rừng như những mạch máu trên những bàn tay già nua, đẩy lớp đá granite vào rừng cây, nuôi dưỡng cây cối và động vật. 
Nhưng sau đó, ở chỗ lằn sẹo, nơi lớp đá lấp lánh ánh kim loại sâu dưới lòng đất, rễ cây dừng lại. Giống như chiếc đường ray dừng lại giữa không trung ở cánh cổng bên dưới, như thể những người đàn ông đã bị đổ rơi xuống sông cho đến chết. Những chiếc rãnh này quá sâu để rễ cây tiếp tục lan ra, thứ đá người ta bới móc ra quá thô nên không thể cung cấp dưỡng chất, nước chứa quá nhiều axit nên không thể uống, những vết thương không thể liền lại. Tảng đá chứa kim loại lấp lánh dưới dòng nước rỉ ra từ các vách đá lởm chởm, địa y và rêu vẫn vắng bóng trên các thớ đá dù đã trải qua một thế kỷ an bình. Tôi có thể hiểu cú sốc của Hannah khi thấy Trái Đất đôi khi không thể chịu đựng nổi – không thể hồi phục – một vết thương quá lớn. Hành tinh của chúng ta chỉ có thể chịu tổn thương đau đớn đến một mức nào đó. Một vài kết nối đã quá hư hỏng, máu đã cạn khô, ngay cả đối với những bộ rễ cây có chức năng chữa lành tuyệt đẹp và ý chí kiên định của Cây Mẹ đầy sức mạnh. 
Chúng tôi đi xuống cánh cổng thấp nhất. Vết nứt tạo ra mỏ khai thác ở độ cao này có kích thước nhỏ hơn – rừng chỗ này sẽ phục hồi. Hannah đếm số vòng lõi cây hằng năm vào ngày đếm lõi cuối cùng của chúng tôi và viết “tám mươi bảy năm”. Cô nàng nhét cái que đầy vòng lõi trở lại thân cây, bịt kín vết thương bằng dầu hắc ín rồi vỗ nhẹ vào lớp vỏ cây. 
“Tuyệt nhất là chỉ với một chút động lực, một chút hỗ trợ tại địa điểm này, động thực vật sẽ quay trở lại.” Tôi nói. Chúng sẽ làm cho khu rừng trở lại trạng thái toàn vẹn một lần nữa, giúp nó phục hồi. Mảnh đất muốn tự chữa lành vết thương. Tôi nghĩ, điều đó giống như việc cơ thể tôi đã làm, tôi biết ơn vì được ở nơi đây, tiếp tục công việc của mình và dạy dỗ con gái của mình. Một khi hệ thống đạt đến điểm bùng phát, các quyết định tốt được đưa ra và thực thi theo đúng như vậy, khi các bộ phận cùng quy trình được tham gia trở lại và đất được tái tổ hợp thì chuyện phục hồi là khả thi – ít nhất ở một số nơi. Chúng tôi gom hết đồ đạc để lướt xuống con dốc, mặt đất vẫn lốm đốm sắc xanh màu ngọc bích, nước rỉ ra vẫn còn chút mùi chua của axit, nhưng tất cả đều đang dần thay đổi. 
Những thảm cây con tốt tươi xào xạc quanh mắt cá chân chúng tôi. Những cột cây hemlock cao hơn bao phủ lên những thân cây gỗ đã đổ xuống, những ngọn cây mạnh mẽ vươn lên tìm kiếm Mặt Trời, rễ cây quấn chặt vào thân gỗ. “Con nghĩ con muốn trở thành một chuyên gia sinh thái học về rừng, mẹ ạ.” Con gái tôi nói, đưa tay vuốt dọc những chiếc lá kim đầy lông của những cây non. 
Tôi dừng chân và nhìn lại. In bóng dưới ánh hoàng hôn, vượt lên trên những ngọn cây khác, cắm rễ trong những tảng nham thạch đã nuôi dưỡng nó là Cây Mẹ của vạt cây con rộng lớn này. Những cành nhánh của nó dang rộng như cánh tay, xương xẩu vì tuyết hàng thế kỷ, vết sẹo lâu lành, đầu ngón tay đầy nón. Tôi cảm thấy an yên, hạnh phúc nhưng cũng cần được nghỉ ngơi. Một lớp học ở Virginia đã gửi cho tôi một bài thơ có tựa đề “Cây Mẹ”, trong đó một người Mẹ nói với tất cả chúng ta: Chúc ngủ ngon, con yêu của mẹ, đã đến giờ ngủ rồi. Tối nay tôi sẽ đi theo con đường mòn nhỏ xuống dòng sông Squamish và ngồi trên bờ sông với những chú chim diệc, nhắm mắt đắm mình trong không khí ấm áp. 
Hannah lấy máy ảnh và thiết bị định vị toàn cầu GPS từ túi áo bảo hộ của con bé để chụp một bức ảnh và ghi lại vị trí của Cây Mẹ lâu đời cùng đám cây con. “Chúng ta có thể đưa tấm ảnh này vào báo cáo.” Hannah nói, khả năng quan sát rừng cây của con bé đang phát triển không có giới hạn. 
Ánh mặt trời lặn khuất sau tán Cây Mẹ rực rỡ, một con đại bàng hói đậu trên cành cây cao nhất, khiến tán cây xáo xác. Chú chim đại bàng nghiêng cái đầu trắng để nhìn chằm chằm xuống chúng tôi. Tôi thở ra thật mạnh, hơi thở của tôi hòa vào luồng không khí chốn núi rừng. Tôi thích cái ý nghĩ rằng luồng không khí đó cuốn đến chỗ chú đại bàng, bởi lẽ ngay khi đó chú đang tung ra sải cánh to lớn. Giờ đây tôi biết tại sao. Tôi biết tại sao những cây con này lại khỏe mạnh dù bị hư hại và tàn phá, không giống như những cây con nhỏ màu vàng từ rất lâu trước đây ở dãy núi Lillooet, những cây con mà tôi đã hứa sẽ cống hiến cuộc đời mình cho chúng như thế nào. Những hạt giống ở đây đã nảy mầm trong mạng lưới rễ cộng sinh rộng lớn của Cây Mẹ. 
Rễ non của chúng được uống món súp dinh dưỡng do mạng lưới rễ của Cây Mẹ cung cấp. Chồi cây đã nhận được thông điệp về những cuộc đấu tranh trong quá khứ của Cây Mẹ, điều đó giúp chúng có một khởi đầu thuận lợi. 
Sự đáp lại của chúng chính là bộ cánh màu ngọc lục bảo này. 
Chú chim đại bàng đột ngột bay lên, bắt lấy một luồng gió và biến mất sau những đỉnh núi. Không có khoảnh khắc nào là quá nhỏ bé trên thế giới này. Không có thứ gì nên bị mất đi. Vạn vật đều có mục đích và tất cả mọi thứ đều cần được quan tâm, chăm sóc. Đây là tín điều của tôi. Chúng ta hãy cùng nhau trân trọng điều đó. Chúng ta có thể nhìn thấy nó trỗi dậy. Cứ như vậy, vào bất cứ lúc nào – vào mọi thời điểm – của cải và những điều tươi đẹp sẽ bay cao. 
Hannah nhét những mẫu đất vào túi mình. Những cây dương xỉ rùng mình trong cơn mưa và cô bé kéo lên chiếc mũ trùm đầu. Cô nhìn ra ngoài để xem con đại bàng đã bay đi đâu, rồi chỉ ra nó đang đồng hành cùng một người bạn trên những sườn đá granite hẹp. 
Gió quất qua những chiếc lá kim của Cây Mẹ nhưng nó vẫn đứng sừng sững ở đó. Nó đã chứng kiến vô số những dáng vẻ của thiên nhiên: những ngày hè nóng nực khi đàn muỗi di chuyển thành đàn; cơn mưa kéo dài hàng tuần liền; tuyết dày đến nỗi một số cành cây của nó bị gãy; thời kỳ hạn hán được tiếp nối bởi tình trạng ẩm ướt kéo dài. Bầu trời chuyển sang màu đỏ tươi, những cành lớn của Cây Mẹ đang rực lửa, máu bốc lên thành tiếng hô xung trận. Nó sẽ còn tại nơi đây thêm hàng trăm năm nữa, chỉ dẫn sự phục hồi, hiến dâng tất cả những gì thuộc về nó, cho đến rất lâu sau khi tôi ra đi. Tạm biệt, Mẹ thân yêu. Thấm mệt, tôi dò dẫm sửa sang lại áo bảo hộ của mình. Hannah quàng chiếc túi nặng trĩu qua vai, điều chỉnh tải trọng và thắt dây đai, hầu như không để ý đến sức nặng. 
Cô bé giúp tôi cầm xẻng và hai mẹ con tôi nắm tay nhau, cùng trở về nhà. 

lời khen tặng cuốn sách

đặt mua những ẤN PHẨM khác của sách thiện tri thức

đặt mua những ẤN PHẨM khác của sách thiện tri thức

MUA NGAY

©2023 Bản quyền thuộc về Sách Thiện Tri Thức

CÔNG TY XUẤT BẢN SÁCH THIỆN TRI THỨC

Địa chỉ: 141, ngõ 325 Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Hotline: + 84328 033 988

Email: contact@thientrithuc.com.vn

Website: http://thientrithuc.com.vn

HỆ THỐNG PHÁT HÀNH