TẬP 1

ĐẶT MUA

ĐỌC THỬ

Đời sống là...


Đời sống không chỉ đơn thuần là đi làm, 
Đời sống không chỉ đơn thuần là sinh con,
Đời sống không chỉ đơn thuần là tình dục,
Đời sống không chỉ đơn thuần là sự thịnh vượng,
Đời sống không phải là một chuỗi thành công và thoả mãn những tham vọng. 
Đời sống là một cái gì đó còn hơn tất cả những điều này: đời sống cũng là sự tìm hiểu để thấy ra liệu có hay không có Thượng đế, liệu có hay không có cái gì đó vượt khỏi ngôn ngữ; tình yêu là gì, cái chết là gì, làm thế nào để đối mặt và hiểu rõ cảm giác đau buồn và lo lắng lớn lao trong trái tim con người - tất cả đó là đời sống. 

Trích từ "Buổi nói chuyện trước công chúng" tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 28.01.1962

ĐỌC THỬ

Krishnamurti - 
Nói về đời sống (Tập 1)
Krishnamurti - 
Nói về tự do
Krishnamurti - 
Thực tại hiện tiền
Krishnamurti - 
Nói về tình yêu
   Jiddu Krishnamurti (1895 - 1986) là một trong những triết gia, nhà tâm linh vĩ đại nhất mà thế giới từng biết đến. Trong hơn 60 năm, ông đi khắp các châu lục, nói chuyện và thảo luận về các chủ đề như: mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người và con người, và phương cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội. 
    Cách ông nói chuyện không phải như một vị thầy mà như một người bạn, không dựa theo sách vở và lý thuyết, trực tiếp hướng tới người nghe nên tạo nên ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn. Ông đã truyền cảm hứng cho các vị thầy nổi tiếng khác như Eckhart Tolle, Josheph Campell, Alan Watts… và vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng ngàn người ngày nay.

KRISHNAMURTI

Dịch giả Đào Hữu Nghĩa

    Dịch giả Đào Hữu Nghĩa sinh năm 1938 tại Sài Gòn.
    Thuộc vào lớp những dịch giả đầu tiên dịch tác phẩm của Krishnamurti sang tiếng Việt. 
    Năm 1968, cùng với Nguyễn Minh Tâm, Đào Hữu Nghĩa đánh dấu công việc dịch thuật của mình, cho ra đời bản dịch "Giáp mặt cuộc đời" từ phiên bản tiếng Pháp. Từ đó, ông tiếp tục tự học tiếng Anh để tiếp cận nguyên bản các tác phẩm Krishnamurti. 
    Cho đến nay, đã hơn 55 năm trôi qua, nhiều bản dịch của ông đã được xuất bản và được bạn đọc gần xa biết đến. Nhiều bài báo viết về ông như một dịch giả kiên trì, dành trọn đời để chuyên dịch về J. Krishnamurti. 
    Hiện tại, ông đang dưỡng già tại Đồng Tháp. Mỗi ngày, ông vẫn làm vườn và duy trì thói quen dịch sách.
    Là một trí thức sống qua thời khốc liệt nhất của chiến tranh, Đào Hữu Nghĩa nói rằng chính cách nhìn và cách hành động của Krishnamurti đã giúp ông vững tâm để sống: “Chính Krishnamurti đã dạy cho tôi biết vững tin vào những điều tốt đẹp, dù thực tại có thể nhiều thách thức, nên dịch là để hàm dưỡng và tìm hiểu chính mình”. – theo Văn Bảy – báo Thể Thao và Văn Hoá.

ĐẶT MUA

Sách này dành cho:

Những ai muốn can đảm đối diện với những vấn đề của bản thân, của xã hội thông qua những sự việc diễn ra hàng ngày trong cuộc sống

Những người yêu mến J. Krishnamurti, yêu cái đẹp, yêu tự do, yêu sự tự nhiên, yêu đời sống và vạn vật

Những người đang thực hành và tìm hiểu những hoạt động tâm trí con người dưới góc nhìn khoa học, xã hội và tâm linh

Lời mời đọc

Đời sống luôn luôn thay đổi với vô số vấn đề phát sinh, nó là một tổng thể bao gồm niềm vui, nỗi buồn, quyền lực, kiến thức, thời gian, xung đột, bất mãn, tuyệt vọng, tình cảm, ghen tuông, tham lam, hạnh phúc, đau khổ, cái chết - tất cả mọi thứ. Con người cứ khát khao đi tìm câu trả lời để giải quyết tất cả những vấn đề xung quanh đời sống, nhưng dường như càng tìm thì câu trả lời càng mơ hồ.

Qua những buổi nói chuyện ngắn gọn, Krishnamurti đã chỉ ra chính vấn đề mới quan trọng, chứ không phải câu trả lời. Nếu chúng ta tìm kiếm một lời giải, chúng ta sẽ tìm thấy; nhưng vấn đề sẽ vẫn còn y nguyên, bởi vì lời giải không liên quan gì với vấn đề. Công cuộc tìm kiếm của chúng ta là nhằm lẩn trốn vấn đề, và lời giải là một cách điều trị cực kỳ hời hợt, nông cạn, vì vậy không có thấu hiểu vấn đề. Tất cả những vấn đề nảy sinh từ một nguồn cội, và nếu không thấu hiểu nguồn gốc ấy, bất kỳ cố gắng nào để giải quyết những vấn đề chỉ dẫn đến hỗn loạn và đau khổ thêm mà thôi.

Với con mắt quan sát đầy tinh tế, Krishnamurti đã miêu tả thiên nhiên, con người trong đời sống thật tự nhiên – như chính những gì đang diễn ra. Từ đầu đến cuối cuốn sách, tại bất cứ một trang sách nào, chúng ta cũng đều bắt gặp những vấn đề của đời sống thường ngày - không hề xa lạ.



Đời sống không có câu trả lời như “có” hay “không”, nó quá rộng lớn, không thể đo lường; và để thấu hiểu đời sống, chúng ta không nên lẩn trốn nó – dù được che đậy bằng cách này hay cách khác.

Krishnamurti từng nói: “Tại sao chúng ta sống cuộc sống vô nghĩa này, làm việc suốt bốn mươi năm, nuôi dạy vài đứa con, giáo dục chúng theo những cách vô lý, rồi chết?”

Điều quý giá nhất trên đời là được sống, cuộc sống thực sự rất đẹp, nó như một bức tranh tổng thể không thừa không thiếu, chúng ta hoàn toàn có thể vẽ lên bức tranh đó những màu sắc tươi sáng cho cuộc đời.

Nhận xét của bạn đọc

Joseph Campell
Deepak Chopra
Tác phẩm của Krishnamurti thấm nhuần điều có thể được gọi là tinh tuý của cách tiếp cận khoa học, khi điều này được xem xét ở dạng cao nhất và thuần túy nhất của nó.
Prof. David Bohm
Cuộc sống của tôi đã chịu tác động nhiều bởi những lời giảng sâu sắc của Krishnamurti. Ông đã giúp tôi thoát ra được những gò ép trong tôi và tìm đến tự do trong chính mình.
Krishnamurti giúp tôi có được nhiều hiểu biết về những gì trước đây tôi hầu như không bao giờ nghĩ đến.
ĐẶT MUA SÁCH TẠI ĐÂY
Cảm ơn bạn đã ủng hộ Thiện Tri Thức!

ĐẶT MUA SÁCH

Thông tin sách
  • Tên sách: Krishnamurti Nói Về Đời Sống (Tập 1)
  • Khổ sách: 15.5 x 23.5 (cm)
  • Số trang: 360 trang
  • Nhà xuất bản: Dân Trí
  • Barcode: 893-853-953-940-6
  • Giá bìa: 199.000 vnđ
  • Giá ưu đãi: 159.000 vnđ (-20%) 

Miễn phí vận chuyển toàn quốc

Chương trình áp dụng đến hết 30/7/2024

Trích đoạn sách hay

SỰ ĐỒNG NHẤT
     Tại sao bạn tự đồng nhất mình vào một người khác, một đoàn thể, một xứ sở? Tại sao bạn tự gọi mình là một tín đồ Thiên Chúa giáo, tín đồ Ấn giáo, Phật giáo, hoặc tại sao bạn lệ thuộc vào một trong vô số những giáo phái? Về mặt tôn giáo và chính trị người ta tự mình nhập một vào với đoàn thể này hay đoàn thể khác thông qua truyền thống hoặc tập quán, qua cưỡng ép, thành kiến, bắt chước và lười biếng. Thái độ đồng nhất này, chấm dứt mọi hành động hiểu biết sáng tạo và bấy giờ, người ta trở thành một công cụ sai bảo trong tay ông trùm đảng phái, vị thầy tu hoặc vị lãnh tụ được ưa thích.
     Một hôm có người nào đó đã nói rằng ông ấy là môn đồ của Krishnamurti, trái ngược với người này hay người kia đang theo một đoàn thể khác. Khi ông ấy nói điều đó, ông ấy hoàn toàn không hiểu mọi hàm ý trong sự đồng nhất này. Ông ấy không phải là người ngu ngốc, ông ấy đã đọc nhiều, có văn hóa, v.v.. Cũng không phải ông là người sống nặng tình cảm, cảm xúc về vấn đề này; trái lại, ông ấy rất sáng suốt và quả đoán.
     Tại sao ông ấy đã trở thành môn đồ của Krishnamurti? Ông ấy đã theo sau nhiều người khác, đã lệ thuộc nhiều đoàn thể và tổ chức chán ngắt, và cuối cùng đã tự đồng nhất vào với con người đặc biệt này. Từ những gì ông ấy đã nói, có vẻ như cuộc hành trình đã chấm dứt. Ông ấy đã tìm thấy chỗ trụ và vấn đề đã được giải quyết, ông ấy đã chọn lựa và không gì lay chuyển nổi. Giờ đây, ông ấy cảm thấy an tâm, thoải mái trụ lại và hăng say làm theo tất cả những điều đã được nói và sẽ được nói.
     Khi chúng ta tự đồng nhất hay nhập làm một vào người khác, liệu việc làm đó thể hiện tình yêu? Đồng nhất có nghĩa nghiệm chứng, thực nghiệm không? Phải chăng sự đồng nhất chấm dứt tình yêu và nghiệm chứng? Đồng nhất, chắc chắn là chiếm hữu, khẳng định quyền sở hữu, quyền làm chủ và sự sở hữu phủ nhận tình yêu, phải không? Sở hữu là cảm thấy an toàn, an tâm; chiếm hữu là phòng vệ, tự biến mình thành vô cảm. Trong đồng nhất có sự chống đối, dù thô bạo hay tinh tế, và tình yêu phải chăng là một hình thái chống đối để phòng vệ cái tôi, cái ngã? Khi có phòng vệ, liệu có tình yêu?
Tình yêu vốn mẫn cảm, uyển chuyển, cởi mở; tình yêu là một hình thái nhạy cảm cực kỳ và sự đồng nhất sẽ khiến cho lòng mình thành vô cảm. Đồng nhất và tình yêu không đồng hành, bởi vì cái này hủy diệt cái kia. Trong chỗ cốt lõi thì đồng nhất là một tiến trình tư tưởng, nhờ đó trí não tự bảo vệ và bành trướng, và trong tiến trình trở thành cái gì đó thì trí não phải phòng vệ và chống đối, phải sở hữu và loại trừ. Trong tiến trình trở thành này, trí não hay cái “tôi”, dần dần trở nên thô bạo hơn nhưng cũng đầy năng lực hơn, nhưng đây không phải là tình yêu. Đồng nhất hủy diệt tự do, và chỉ trong tự do mới có hình thái nhạy cảm cao tột nhất.
     Để nghiệm chứng tức thực nghiệm, có cần phải đồng nhất không? Không phải chính động thái đồng nhất chấm dứt tìm hiểu, tra xét, khám phá sao? Hạnh phúc mà chân lý mang lại không thể có được nếu không có sự chứng nghiệm trong hành động tự khám phá. Đồng nhất chấm dứt khám phá, nó là một dạng khác của sự lười biếng. Đồng nhất là một kinh nghiệm gián tiếp, và do đó cực kỳ giả dối.
     Để kinh nghiệm thì mọi sự đồng nhất phải ngưng dứt. Để nghiệm chứng thì phải không còn nỗi sợ hãi. Sợ hãi ngăn chặn kinh nghiệm. Chính sợ hãi mới tạo ra đồng nhất - đồng nhất vào với người khác, với đoàn thể, với một ý thức hệ, v.v.. Sợ hãi tất phải chống đối, kiềm chế, và trong một trạng thái tự phòng vệ thì làm sao có thể mạo hiểm trên những vùng biển hoang vu chưa từng được khám phá? Sự thật hay hạnh phúc không thể đến nếu không thực hiện cuộc hành trình thâm nhập vào mọi đường đi nước bước của cái “tôi”. Bạn không thể đi xa nếu bạn bị neo giữ. Đồng nhất là một nơi ẩn náu. Một nơi ẩn náu cần được bảo vệ và điều gì được bảo vệ thì sớm hay muộn cũng bị hủy diệt. Đồng nhất tạo ra sự hủy diệt cho chính nó, do đó có sự xung đột triền miên giữa các sự đồng nhất khác nhau.
     Chúng ta càng đấu tranh chống lại hoặc ủng hộ sự đồng nhất nhiều bao nhiêu thì sự kháng cự đối với sự thấu hiểu càng nhiều bấy nhiêu. Nếu người ta tri giác toàn bộ tiến trình của sự đồng nhất, ở ngoại giới cũng như nơi nội tâm, nếu người ta thấy rằng biểu hiện bên ngoài là do yêu cầu ở nội tâm phóng chiếu, thì bấy giờ mới có thể có khám phá và hạnh phúc. Anh ấy người đã đi vào con đường tự mình đồng nhất thì không bao giờ có thể biết được tự do, mà chỉ duy trong tự do thì mọi sự thật mới xuất hiện.
.
KẺ GIÀU VÀ NGƯỜI NGHÈO
     Trời oi bức, ẩm ướt và tiếng ồn của một thành phố lớn tràn ngập không khí. Cơn gió nhẹ thổi vào từ biển mang hơi ấm và có mùi nhựa đường, dầu lửa. Cùng với hoàng hôn, đỏ rực trong những mặt nước xa xa, thời tiết vẫn oi bức không thể chịu nổi. Lúc này nhóm người đông đúc chật kín căn phòng đã rời đi, và chúng tôi ra ngoài đường.
     Những con vẹt, giống như những tia sáng màu xanh lục, đang quay về tổ ấm. Sáng sớm, chúng bay về hướng bắc, ở đó có nhiều vườn cây ăn trái, đồng lúa xanh và những thôn dã thông thoáng mở rộng, và khi trời chạng vạng tối chúng trở về ngủ qua đêm trong cây cối của thành phố. Đường bay của chúng không bao giờ êm ả nhưng luôn ồn ào, liều lĩnh và lấp lánh. Chúng không bao giờ bay thẳng một mạch như các loài chim khác, nhưng luôn luôn đổi chiều bay ngoặt trái hay phải, hay đột ngột lao vào một bụi cây. Chúng là loài chim năng động nhất khi bay, nhưng chúng trông đẹp làm sao với những cái mỏ đỏ, lông màu xanh lục pha vàng sáng rực. Những con chim kền kền, nặng nề và xấu xí, bay lượn vòng vòng trên không và đáp xuống để qua đêm trên các cây cọ.
     Phía trước xuất hiện một người đàn ông đang chơi sáo trúc; anh ấy có vẻ là một loại người giúp việc nào đó. Anh ấy đi lên đồi, và tiếng sáo vẫn tiếp tục cất lên. Và chúng tôi đi theo anh ấy. Anh ấy rẽ vào một nơi nào đó bên đường, tiếng sáo vẫn không ngừng theo chân người thổi. Thật là lạ khi nghe tiếng sáo giữa phố thị ồn ào, và tiếng sáo xoáy sâu vào tâm can. Thật là hay, và chúng tôi đi theo người thổi sáo một khoảng xa. Chúng tôi băng qua nhiều con đường và đến một con đường rộng rãi hơn, có ánh đèn sáng sủa hơn. Xa hơn, một nhóm người đang ngồi bắt chéo chân bên vệ đường, và người thổi sáo nhập bọn vào họ. Chúng tôi cũng làm thế; và chúng tôi ngồi quanh quay tròn trong khi anh ấy vẫn đang say mê với tiếng sáo của mình. Họ phần đông là những tài xế, những người giúp việc, những người gác đêm, cùng một số trẻ nhỏ và một, hai con chó. Nhiều xe nhỏ chạy qua, một chiếc có người lái xe, bên trong là một quý bà, ăn mặc sang trọng và chỉ một mình, đèn trong xe được bật sáng. Một xe khác dừng lại, lái xe bước xuống và đến ngồi cùng chúng tôi. Tất cả họ đều cười cợt, khoa tay múa chân một cách vui vẻ, nhưng tiếng sáo vẫn không chút xao động và có sự vui sướng.
     Bây giờ thì chúng tôi đã rời đi và theo một con đường dẫn ra biển qua những ngôi nhà đầy ánh sáng của những người giàu có. Người giàu có một không gian sống riêng biệt của họ. Dù có văn hóa, kín đáo, cổ điển và bóng bẩy đến đâu, người giàu vẫn có một xa cách không thể dò xét được, tính quyết đoán và cứng rắn bất khả xâm phạm của họ khó mà phá vỡ được. Họ không phải là những người sở hữu của cải, nhưng là những người bị của cải chiếm hữu, mà còn tồi tệ hơn cả cái chết nữa. Tính tự cao tự đại của họ là lòng bác ái; họ nghĩ rằng họ là những người được ủy thác để giữ gìn tài sản của chính họ; họ có của để bố thí, họ tạo ra những hội từ thiện; họ là những người tạo ra, những người xây dựng, những người trao tặng. Họ xây dựng nhà thờ, đền chùa, nhưng thượng đế của họ là thượng đế của vàng bạc của họ. Với tình trạng có quá nhiều sự nghèo khổ và sự mất phẩm giá làm người như hiện nay, muốn làm giàu thì người ta phải có một thứ da mặt rất dày. Một số người giàu cũng đến tranh luận, đặt vấn đề và tìm kiếm thực tại. Đối với người giàu cũng như kẻ nghèo, để tìm ra thực tại là điều cực kỳ khó khăn. Người nghèo khao khát muốn được giàu có và quyền lực, và người giàu thì đã bị vướng mắc trong mạng lưới của hành động làm giàu của họ; tuy nhiên họ cũng tin tưởng và mạo hiểm đến gần. Họ phỏng đoán, không chỉ về thị trường, mà cả về cái tối thượng nữa. Họ dự cả hai cuộc chơi, nhưng chỉ thành đạt những gì mà con tim họ đang chứa đầy ắp. Những niềm tin và nghi thức tôn giáo của họ, những hy vọng và sợ hãi của họ không có bất kỳ mối liên hệ nào với thực tại, bởi vì con tim của họ trống rỗng. Biểu hiện bên ngoài càng giàu có bao nhiêu, thì sự nghèo khó nội tâm càng lớn lao không tả xiết.
     Từ chối của cải, tiện nghi và địa vị của thế gian là việc tương đối đơn giản; nhưng loại bỏ khát vọng để là, để trở thành, đòi hỏi nhiều thông minh và hiểu biết. Sức mạnh mà của cải đem lại gây chướng ngại việc thấu hiểu thực tại, cũng giống như sức mạnh của tài năng và năng lực gây chướng ngại vậy. Cái hình thái đặc biệt của lòng tự tin này, rõ ràng là hoạt động của cái “tôi”, cái ngã; và tuy khó làm, nhưng lòng tự tin và sức mạnh thuộc loại này có thể được loại bỏ. Nhưng chỗ tinh tế hơn gấp bội và tiềm ẩn sâu kín hơn cả là sức mạnh và động lực thúc ép nằm trong khát vọng để trở thành. Tự bành trướng cái “tôi” dưới bất kỳ hình dạng nào, dù thông qua của cải vật chất hay đạo đức tinh thần, đều là tiến trình của xung đột, gây ra đối địch và hỗn loạn. Một trí não mang nặng ý muốn trở thành thì không bao giờ có thể yên tĩnh, bởi vì tâm thái yên tĩnh, tịch lặng không phải là kết quả của công phu tu tập, hay của thời gian. Tịch lặng là một trạng thái đang thấu hiểu, và đang trở thành phủ nhận thấu hiểu này. Trở thành tạo ra ý thức về thời gian, nên thực sự là trì hoãn thấu hiểu. Cái Tôi sẽ là là một ảo tưởng nảy sinh từ thái độ tự cho mình là quan trọng.
     Biển cũng náo động như thành phố, nhưng náo động của biển có chiều sâu và thực chất. Vì sao Hôm ló dạng ở chân trời. Chúng tôi quay về qua một con đường đầy xe cộ và người. Một người đàn ông trần truồng nằm ngủ trên hè phố; anh ta là một người ăn xin, kiệt sức, thiếu ăn cùng cực, và khó mà đánh thức anh ta. Bên kia là những bãi cỏ xanh và hoa thắm rực rỡ của công viên thành phố.
.
KIẾN THỨC
     Tàu hỏa sẽ đến muộn, chúng tôi đang chờ. Sân ga bẩn thỉu và ồn ào, không khí hăng hắc, cay sè. Nhiều người cũng đang chờ như chúng tôi. Trẻ con la khóc, mẹ cho con bú, những người bán hàng rao bán như la hét các món hàng giải khát, trà và cà phê, thật là một cảnh tượng ầm ĩ, bát nháo khủng khiếp. Chúng tôi đi lên đi xuống sân ga, quan sát bước đi của mình và cuộc sống đang chuyển động quanh chúng tôi. Một người bước đến và bắt đầu nói bằng thứ tiếng Anh ngập ngừng, anh ấy nói đã theo dõi chúng tôi, và cảm thấy không thể không bắt chuyện với chúng tôi được. Với tất cả cảm xúc nồng nàn, anh ấy hứa sẽ sống một đời sống trong sạch, và rằng từ giờ phút này anh ấy sẽ không bao giờ hút thuốc lá nữa. Anh ấy nói rằng anh ấy đã không được học hành, bởi vì anh chỉ là một cậu trai kéo xe. Người thanh niên có đôi mắt mạnh mẽ và nụ cười dễ thương.
     Giờ thì tàu hỏa đã đến. Trong toa tàu một người đàn ông đã tự giới thiệu về mình. Ông ấy là một học giả nổi danh; ông biết nhiều thứ tiếng và có thể nói năng trôi chảy. Ông ấy đã lớn tuổi và đầy ắp kiến thức, giàu có và tham vọng. Ông nói về thiền định, nhưng ông tạo ra cảm tưởng rằng ông không nói từ chính kinh nghiệm của mình. Thượng đế của ông là thượng đế của kinh sách. Thái độ của ông ấy đối với cuộc sống mang tính truyền thống và thủ cựu; ông tin vào việc tảo hôn, vào hôn nhân được sắp đặt trước và vào một cuộc sống đạo lý nghiêm khắc. Ông ý thức được đẳng cấp hay giai cấp của mình và các sự khác biệt trong năng lực trí thức của đẳng cấp. Ông tự phụ một cách hết sức kỳ lạ về kiến thức và địa vị của mình.
Mặt Trời đang lặn, và tàu chạy xuyên qua vùng thôn dã đáng yêu. Trâu bò đang về chuồng, tung bụi vàng mù mịt. Có những đám mây đen khổng lồ ở chân trời, và tiếng sấm nổ xa xa. Đồng ruộng xanh tươi, trông thật vui, và thích thú làm sao với cảnh tượng một ngôi làng nằm nép mình uốn cong theo chân núi! Bóng tối đang dần buông xuống. Một con hươu to, màu xanh đang gặm cỏ trên cánh đồng; nó không thèm nhìn lên ngay cả việc tàu hỏa gầm rú đang lướt qua.
     Kiến thức là một tia sáng giữa hai bóng tối; nhưng kiến thức không thể lên trên và vượt khỏi bóng tối đó. Kiến thức vốn thiết yếu cho kỹ thuật công nghệ, như than đá cần cho chạy máy; nhưng kiến thức không thể vươn tới cái không biết (the unknown). Cái không biết không thể bị vướng mắc trong mạng lưới của cái đã biết (the known). Phải gạt bỏ kiến thức sang một bên để cho cái không biết hiện diện; nhưng việc đó khó làm sao!
     Chúng ta có sự hiện diện của chúng ta trong quá khứ, tư tưởng của chúng ta được hình thành trên quá khứ. Quá khứ là cái đã biết, và phản ứng của quá khứ luôn luôn phủ bóng của nó lên hiện tại, tức cái không biết. Cái không biết không phải là tương lai, nhưng là hiện tại. Tương lai chỉ là quá khứ lướt qua hiện tại bất định. Khoảng trống này, khoảng cách này, được lấp đầy bằng những tia sáng gián đoạn của kiến thức, che đậy, bịt kín sự trống không của hiện tại; nhưng trống không này nắm toàn bộ sự màu nhiệm của cuộc sống.
     Nghiện ngập hay say mê kiến thức đều giống như bất kỳ sự nghiện ngập nào khác; nó có ý định lẩn tránh nỗi sợ hãi về sự trống không, sự cô độc tuyệt vọng, sợ mình không là gì cả. Ánh sáng của kiến thức là một lớp phủ mỏng manh, nằm bên dưới nó là một thứ bóng tối mà trí não không thể thâm nhập. Trí não sợ hãi cái không biết này, do đó nó lẩn trốn vào kiến thức, vào những lý thuyết, những hy vọng, vào sự tưởng tượng; và chính kiến thức này gây chướng ngại cho việc thấu hiểu cái không biết. Loại bỏ kiến thức là mời mọc sợ hãi, và phủ nhận trí não, vốn là công cụ tri giác duy nhất mà người ta có, là dễ bị tổn thương trước mọi nỗi khổ, vui. Nhưng không dễ gì loại bỏ được kiến thức. Ngu dốt là không được tự do khỏi kiến thức. Ngu dốt là không thấu hiểu chính mình; và kiến thức là dốt nát khi không thấu hiểu đường đi nước bước của cái “tôi”, cái ngã. Thấu hiểu cái “tôi”, cái ngã là tự do khỏi kiến thức.
     Có thể có tự do khỏi kiến thức chỉ khi nào cái tiến trình thâu lượm, động cơ tích lũy được thấu hiểu. Ham muốn muốn tích lũy là ham muốn được an toàn, được chắc chắn. Ham muốn được chắc chắn này nhờ vào sự đồng nhất, lên án và biện minh, là nguyên nhân của sợ hãi, vốn hủy diệt mọi hiệp thông. Khi có hiệp thông, không còn nhu cầu tích lũy. Tích lũy là sự kháng cự tự khép kín, và kiến thức củng cố sự kháng cự này. Sùng thượng kiến thức là một hình thái sùng bái thần tượng, và thái độ sống đó không giải quyết được xung đột và đau khổ của cuộc sống chúng ta. Kiến thức như lớp áo phủ bên ngoài, chỉ che đậy, giấu giếm, chứ không bao giờ giải phóng chúng ta khỏi tâm trạng hỗn loạn và đau khổ luôn luôn gia tăng của chúng ta. Đường đi nước bước của trí não không đưa đến sự thật và hạnh phúc của nó. Biết là phủ nhận cái không biết.
.
TÌNH YÊU TRONG QUAN HỆ
     Thật dễ dàng làm sao để hủy diệt thứ mà chúng ta yêu thương! Mau lẹ làm sao, dựng lên giữa chúng ta một rào cản, một lời nói, một cử chỉ, một nụ cười! Sức khỏe, tâm trạng, dục vọng phủ lên bóng đen ảm đạm, và những gì trong sáng trở thành tối tăm và nặng nề. Thông qua việc sử dụng, chúng ta tự làm cho mình kiệt quệ, những gì sắc bén và trong sáng trở thành chán ngắt và hỗn độn. Trải qua va chạm, hy vọng và tuyệt vọng liên tục, những gì vốn đẹp đẽ và đơn giản trở thành khủng khiếp và mong đợi. Mối quan hệ giao tiếp trở nên phức tạp và khó khăn, và chỉ có một số ít người mới thoát khỏi nó mà không bị tổn thương. Mặc dù chúng ta muốn mối quan hệ đó không biến động, cứ thế tiếp tục kéo dài mãi mãi, nhưng quan hệ là một chuyển động, một tiến trình phải được thấu hiểu đầy đủ và sâu sắc, chứ không áp đặt nó phải rập khuôn theo một mô hình bên trong hay bên ngoài nào. Tính rập khuôn bắt chước, tức là cấu trúc xã hội, chỉ mất hết trọng lượng và quyền lực của nó khi có tình yêu. Tình yêu trong quan hệ là một tiến trình thanh lọc bởi vì nó phát hiện mọi đường đi nước bước của cái “tôi”, cái ngã. Nếu không có sự phát hiện hay vạch trần này, thì mối quan hệ có rất ít ý nghĩa.
     Nhưng chúng ta đấu tranh kháng cự sự phát hiện này một cách quyết liệt làm sao! Cuộc đấu tranh diễn ra dưới nhiều dạng khác biệt: thống trị hoặc phục tùng, sợ hãi hoặc hy vọng, ghen tuông hoặc chấp nhận, v.v.. Chỗ khó là chúng ta không yêu thương; và nếu có yêu thương thì chúng ta lại muốn tình yêu đó phải vận hành trong một phương cách đặc biệt nào đó, chúng ta không để cho nó tự do. Chúng ta yêu bằng trí não chứ không phải bằng con tim của chúng ta. Trí não có thể tự sửa đổi chính nó, nhưng tình yêu thì không thể. Trí não có thể tự biến mình thành vô cảm, nhưng tình yêu thì không thể; trí não có thể luôn luôn khép kín, độc đoán, trở nên có tính người hoặc không tính người. Tình yêu không đem ra so sánh được và rào bọc được. Khó khăn của chúng ta nằm trong điều mà chúng ta gọi là tình yêu, mà thực sự là thuộc trí não, là của trí não. Chúng ta lấp đầy quả tim chúng ta bằng những sự việc của trí não và do đó luôn luôn khiến quả tim chúng ta trống rỗng và hy vọng. Chính trí não bám víu, ghen tị, giam cầm và hủy hoại. Cuộc sống chúng ta bị chi phối bởi những trung tâm vật chất và bởi trí não. Chúng ta không yêu thương và để cho tình yêu một mình, nhưng chúng ta lại khao khát được yêu; chúng ta cho đi với mục đích để nhận lại, mà vốn là lòng bao dung của trí não chứ không phải của con tim. Trí não luôn luôn tìm kiếm sự chắc chắn, an toàn; và liệu tình yêu có thể được chắc chắn bởi trí não? Liệu trí não, mà chính bản thể của nó vốn thuộc thời gian, có thể nắm bắt được tình yêu, mà tự thân nó vốn vĩnh hằng không? 
     Nhưng ngay cả tình yêu của con tim cũng có những thủ đoạn riêng của nó; bởi vì chúng ta đã làm hư hỏng quả tim chúng ta đến độ nó trở nên do dự và bối rối. Chính điều này khiến cho cuộc sống quá ư đau khổ và nặng nề. Một khoảnh khắc chúng ta nghĩ rằng chúng ta yêu thương, khoảnh khắc kế tiếp nó đã mất rồi. Có một sức mạnh vô song, không thuộc trí não, xuất hiện mà nguồn cội của nó không thể thăm dò được. Một lần nữa, sức mạnh này cũng bị hủy hoại bởi trí não; bởi trong cuộc chiến đấu này, trí não dường như luôn luôn là kẻ chiến thắng. Cuộc xung đột này bên trong chúng ta sẽ không giải quyết được bởi trí não xảo quyệt hay bởi con tim do dự. Không có phương tiện nào, đường lối nào chấm dứt được cuộc xung đột này. Chính việc tìm kiếm phương tiện là một thôi thúc mãnh liệt khác của trí não để là người thầy, để chấm dứt xung đột với mục đích được an bình, để có yêu thương, để trở thành cái gì đó.
     Khó khăn lớn nhất của chúng ta là giác tri rộng và sâu rằng không có bất kỳ phương tiện nào để yêu thương như một mục đích mong muốn của trí não. Khi chúng ta thấu hiểu thực sự và sâu thẳm điều này, vậy thì có thể thâu nhận cái gì đó mà không thuộc thế gian này. Nếu không tiếp xúc cái gì đó đó, dù làm bất kỳ điều gì chúng ta muốn, không thể có hạnh phúc vĩnh cửu trong quan hệ giao tiếp. Nếu bạn đã chạm được thứ chân hạnh phúc đó và tôi thì không, theo tự nhiên bạn và tôi sẽ xung đột. Có thể bạn không xung đột, nhưng tôi sẽ trong xung đột; và trong đau khổ và phiền não của tôi, tôi tự cắt đứt quan hệ. Đau khổ cũng như khoái lạc vốn mang tính độc đoán, và cho đến khi có được tình yêu mà không phải do chính tôi tạo tác, thì mối quan hệ chỉ là đau khổ. Nếu có thứ chân hạnh phúc của tình yêu đó, thì bạn không thể làm gì cả ngoại trừ yêu thương “tôi” dù tôi có lẽ là gì đi nữa, bởi vì lúc bấy giờ bạn không uốn nắn tình yêu rập theo thái độ cư xử của tôi. Dù trí não có thể vận dụng bất cứ thủ đoạn nào, thì bạn và tôi vẫn là tách rời; mặc dù có thể chúng ta tiếp cận nhau ở một số điểm, nhưng sự hợp nhất, hiệp thông không phải với bạn, mà bên trong chính tôi. Sự hiệp thông này không được tạo ra bởi trí não; nó hiện diện chỉ khi trí não hoàn toàn tịch lặng, vì đã đạt đến điểm cuối của sợi dây ràng buộc của chính nó. Chỉ lúc bấy giờ mới không có đau khổ trong quan hệ.

đặt mua những ẤN PHẨM khác của sách thiện tri thức

đặt mua những ẤN PHẨM khác của sách thiện tri thức

MUA NGAY

HỆ THỐNG PHÁT HÀNH

CÔNG TY XUẤT BẢN SÁCH THIỆN TRI THỨC

Địa chỉ: số 141, ngõ 325 Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội 

Hotline: + 84328 033 988

Email: contact@thientrithuc.com.vn

Website: http://thientrithuc.com.vn

©2024 Bản quyền thuộc về Sách Thiện Tri Thức