ĐẶT MUA

ĐỌC THỬ

TẬP 2

Đời sống là...


Đời sống không chỉ đơn thuần là đi làm, 
Đời sống không chỉ đơn thuần là sinh con,
Đời sống không chỉ đơn thuần là tình dục,
Đời sống không chỉ đơn thuần là sự thịnh vượng,
Đời sống không phải là một chuỗi thành công và thoả mãn những tham vọng. 
Đời sống là một cái gì đó còn hơn tất cả những điều này: đời sống cũng là sự tìm hiểu để thấy ra liệu có hay không có Thượng đế, liệu có hay không có cái gì đó vượt khỏi ngôn ngữ; tình yêu là gì, cái chết là gì, làm thế nào để đối mặt và hiểu rõ cảm giác đau buồn và lo lắng lớn lao trong trái tim con người - tất cả đó là đời sống. 

Trích từ "Buổi nói chuyện trước công chúng" tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 28.01.1962

ĐỌC THỬ

Krishnamurti - 
Nói về đời sống (Tập 2)
Krishnamurti - 
Nói về tự do
Krishnamurti - 
Thực tại hiện tiền
Krishnamurti - 
Nói về tình yêu
   Jiddu Krishnamurti (1895 - 1986) là một trong những triết gia, nhà tâm linh vĩ đại nhất mà thế giới từng biết đến. Trong hơn 60 năm, ông đi khắp các châu lục, nói chuyện và thảo luận về các chủ đề như: mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người và con người, và phương cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội. 
    Cách ông nói chuyện không phải như một vị thầy mà như một người bạn, không dựa theo sách vở và lý thuyết, trực tiếp hướng tới người nghe nên tạo nên ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn. Ông đã truyền cảm hứng cho các vị thầy nổi tiếng khác như Eckhart Tolle, Josheph Campell, Alan Watts… và vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng ngàn người ngày nay.

KRISHNAMURTI

Dịch giả Đào Hữu Nghĩa

    Dịch giả Đào Hữu Nghĩa sinh năm 1938 tại Sài Gòn.
    Thuộc vào lớp những dịch giả đầu tiên dịch tác phẩm của Krishnamurti sang tiếng Việt. 
    Năm 1968, cùng với Nguyễn Minh Tâm, Đào Hữu Nghĩa đánh dấu công việc dịch thuật của mình, cho ra đời bản dịch "Giáp mặt cuộc đời" từ phiên bản tiếng Pháp. Từ đó, ông tiếp tục tự học tiếng Anh để tiếp cận nguyên bản các tác phẩm Krishnamurti. 
    Cho đến nay, đã hơn 55 năm trôi qua, nhiều bản dịch của ông đã được xuất bản và được bạn đọc gần xa biết đến. Nhiều bài báo viết về ông như một dịch giả kiên trì, dành trọn đời để chuyên dịch về J. Krishnamurti. 
    Hiện tại, ông đang dưỡng già tại Đồng Tháp. Mỗi ngày, ông vẫn làm vườn và duy trì thói quen dịch sách.
    Là một trí thức sống qua thời khốc liệt nhất của chiến tranh, Đào Hữu Nghĩa nói rằng chính cách nhìn và cách hành động của Krishnamurti đã giúp ông vững tâm để sống: “Chính Krishnamurti đã dạy cho tôi biết vững tin vào những điều tốt đẹp, dù thực tại có thể nhiều thách thức, nên dịch là để hàm dưỡng và tìm hiểu chính mình”. – theo Văn Bảy – báo Thể Thao và Văn Hoá.

Krishnamurti - 
Nói về đời sống (Tập 1)

ĐẶT MUA

Sách này dành cho:

Những ai muốn can đảm đối diện với những vấn đề của bản thân, của xã hội thông qua những sự việc diễn ra hàng ngày trong cuộc sống

Những người yêu mến J. Krishnamurti, yêu cái đẹp, yêu tự do, yêu sự tự nhiên, yêu đời sống và vạn vật

Những người đang thực hành và tìm hiểu những hoạt động tâm trí con người dưới góc nhìn khoa học, xã hội và tâm linh

Lời mời đọc

Đời sống luôn luôn thay đổi với vô số vấn đề phát sinh, nó là một tổng thể bao gồm niềm vui, nỗi buồn, quyền lực, kiến thức, thời gian, xung đột, bất mãn, tuyệt vọng, tình cảm, ghen tuông, tham lam, hạnh phúc, đau khổ, cái chết - tất cả mọi thứ. Con người cứ khát khao đi tìm câu trả lời để giải quyết tất cả những vấn đề xung quanh đời sống, nhưng dường như càng tìm thì câu trả lời càng mơ hồ.

Qua những buổi nói chuyện ngắn gọn, Krishnamurti đã chỉ ra chính vấn đề mới quan trọng, chứ không phải câu trả lời. Nếu chúng ta tìm kiếm một lời giải, chúng ta sẽ tìm thấy; nhưng vấn đề sẽ vẫn còn y nguyên, bởi vì lời giải không liên quan gì với vấn đề. Công cuộc tìm kiếm của chúng ta là nhằm lẩn trốn vấn đề, và lời giải là một cách điều trị cực kỳ hời hợt, nông cạn, vì vậy không có thấu hiểu vấn đề. Tất cả những vấn đề nảy sinh từ một nguồn cội, và nếu không thấu hiểu nguồn gốc ấy, bất kỳ cố gắng nào để giải quyết những vấn đề chỉ dẫn đến hỗn loạn và đau khổ thêm mà thôi.

Với con mắt quan sát đầy tinh tế, Krishnamurti đã miêu tả thiên nhiên, con người trong đời sống thật tự nhiên – như chính những gì đang diễn ra. Từ đầu đến cuối cuốn sách, tại bất cứ một trang sách nào, chúng ta cũng đều bắt gặp những vấn đề của đời sống thường ngày - không hề xa lạ.



Đời sống không có câu trả lời như “có” hay “không”, nó quá rộng lớn, không thể đo lường; và để thấu hiểu đời sống, chúng ta không nên lẩn trốn nó – dù được che đậy bằng cách này hay cách khác.

Krishnamurti từng nói: “Tại sao chúng ta sống cuộc sống vô nghĩa này, làm việc suốt bốn mươi năm, nuôi dạy vài đứa con, giáo dục chúng theo những cách vô lý, rồi chết?”

Điều quý giá nhất trên đời là được sống, cuộc sống thực sự rất đẹp, nó như một bức tranh tổng thể không thừa không thiếu, chúng ta hoàn toàn có thể vẽ lên bức tranh đó những màu sắc tươi sáng cho cuộc đời.

Nhận xét của bạn đọc

Joseph Campell
Deepak Chopra
Tác phẩm của Krishnamurti thấm nhuần điều có thể được gọi là tinh tuý của cách tiếp cận khoa học, khi điều này được xem xét ở dạng cao nhất và thuần túy nhất của nó.
Prof. David Bohm
Cuộc sống của tôi đã chịu tác động nhiều bởi những lời giảng sâu sắc của Krishnamurti. Ông đã giúp tôi thoát ra được những gò ép trong tôi và tìm đến tự do trong chính mình.
Krishnamurti giúp tôi có được nhiều hiểu biết về những gì trước đây tôi hầu như không bao giờ nghĩ đến.
ĐẶT MUA SÁCH TẠI ĐÂY
Cảm ơn bạn đã ủng hộ Thiện Tri Thức!

ĐẶT MUA SÁCH

Thông tin sách
  • Tên sách: Krishnamurti Nói Về Đời Sống (Tập 2)
  • Khổ sách: 15.5 x 23.5 (cm)
  • Số trang: 356 trang
  • Nhà xuất bản: Dân Trí
  • Barcode: 893-853-953-941-3
  • Giá bìa: 199.000 vnđ
  • Giá ưu đãi: 159.000 vnđ (-20%) 

Miễn phí vận chuyển toàn quốc

Chương trình áp dụng đến hết 30/9/2024

Trích đoạn sách hay

NỖ LỰC

     Trời đã bắt đầu mưa nhẹ hạt, nhưng đột nhiên như thể bầu trời đã mở toang và một trận mưa như trút nước ập xuống. Đường phố nước ngập sâu đến tận đầu gối và tràn qua vỉa hè. Muôn lá im lìm không chút lay động, và chúng quá yên lặng trong sự ngạc nhiên của chúng. Một xe ô tô chạy qua và chết máy, vì nước ngập vào các bộ phận chính của nó. Người ta đang lội bộ qua đường, mình mẩy ướt đẫm, nhưng họ thấy vui sướng với trận mưa như thác đổ này. Cây cối trong vườn được rửa sạch và thảm cỏ xanh bị ngập dưới nhiều tấc nước màu nâu. Một con chim màu xanh sậm với đôi cánh vàng nâu đang tìm chỗ tránh mưa trong vùng lá rậm, nhưng càng lúc nó càng bị ướt hơn và phải thường xuyên rung lắc bộ lông để rũ nước. Cơn mưa như trút nước kéo dài một lúc, rồi đột nhiên ngưng như lúc mới bắt đầu. Mọi thứ đều được rửa sạch.
     Sống hồn nhiên thật đơn giản biết bao! Nếu không có hồn nhiên thì không thể sống hạnh phúc. Niềm vui của cảm giác không phải là hạnh phúc của hồn nhiên. Hồn nhiên là thoát khỏi gánh nặng ngàn năm của kinh nghiệm. Chính ký ức của kinh nghiệm mới làm hư hoại, chứ không phải tự thân động thái kinh nghiệm. Kiến thức, tức gánh nặng của quá khứ, đã làm hư hỏng, bại hoại. Chính khả năng để tích lũy, sự cố gắng để trở thành đã hủy hoại hồn nhiên; và nếu không có hồn nhiên thì làm sao có thể có trí tuệ. Người mà chỉ hiếu kỳ, tò mò, tìm hiểu thôi thì không bao giờ có thể biết được trí tuệ; họ sẽ tìm thấy nhưng điều họ tìm được không phải là sự thật. Người hoài nghi không bao giờ có thể biết được hạnh phúc, bởi vì hoài nghi là lo âu về chính cuộc sống của mình, và sợ hãi tạo ra hủy hoại. Không sợ hãi không phải là can đảm mà là tự do khỏi sự tích lũy.
     “Tôi đã không cần bất kỳ nỗ lực nào để đi đây đi đó trên thế giới, thế nhưng tôi đã trở thành người kiếm tiền hết sức thành công; những nỗ lực của tôi trong chiều hướng đó đã đem lại những kết quả như tôi mong muốn. Tôi cũng đã cố gắng rất nhiều để tạo hạnh phúc cho cuộc sống gia đình mình, nhưng ông cũng biết việc ấy như thế nào rồi. Đời sống gia đình không giống như việc làm ra tiền hay trong điều hành một ngành kinh doanh. Người ta phải giao du, quan hệ với những con người trong kinh doanh, nhưng việc đó ở một mức độ khác hẳn. Ở nhà có quá nhiều sự va chạm nhưng rất ít biểu lộ ra, và những cố gắng của người ta trong lĩnh vực này dường như chỉ làm gia tăng hỗn loạn. Tôi không than phiền gì cả, vì đó không phải là bản tính của tôi, nhưng theo tôi thì tất cả hệ thống hôn nhân là cả một sai lầm. Chúng tôi kết hôn là để thỏa mãn những đòi hỏi tình dục của chúng tôi, nhưng thực sự không hiểu nhau gì cả; và dù chúng tôi sống trong cùng một mái nhà và vô tình hay cố ý sinh ra một đứa con, chúng tôi giống như những người xa lạ với nhau; và sự căng thẳng, mà chỉ những người đã kết hôn mới biết được, vẫn luôn luôn ở đó. Tôi đã làm những gì mà tôi nghĩ là bổn phận của tôi, nhưng vẫn không có kết quả gì tốt đẹp, để cho cuộc sống gia đình không cay nghiệt. Cả hai chúng tôi đều là những người mong muốn thống trị và gây hấn, nên tình hình không dễ dàng gì. Nỗ lực để hợp tác của chúng tôi không tạo được một tình bạn sâu sắc giữa chúng tôi. Tuy tôi rất quan tâm đến các vấn đề tâm lý, nhưng việc đó cũng không giúp ích gì nhiều, và tôi muốn đi sâu hơn vào vấn đề này.”
     Mặt Trời đã ló dạng, chim chóc cất tiếng gọi, và bầu trời trong xanh sau cơn bão.
     Theo bạn hiểu thì nỗ lực là gì?
     “Là đấu tranh theo đuổi điều gì đó. Tôi đã đấu tranh đeo đuổi tiền bạc và địa vị, và tôi đã được cả hai. Tôi cũng đã đấu tranh để có được hạnh phúc gia đình, nhưng cố gắng này đã không thành công; vì vậy bây giờ tôi đang đấu tranh theo đuổi cái gì đó còn thâm sâu hơn.”
     Chúng ta đấu tranh nhằm đạt một mục đích trong quan điểm; chúng ta đấu tranh để thành đạt; chúng ta tạo ra một nỗ lực liên tục để trở thành cái gì đó, một cách tích cực hay tiêu cực. Cuộc đấu tranh là để được an toàn trong cách nào đó, nó luôn luôn hướng về điều gì đó hay tránh xa điều gì đó. Thực ra nỗ lực là một cuộc chiến bất tận để thu được, kiếm được, đúng chứ?
     “Phải chăng thu được là sai lầm?”
     Chúng ta sẽ đi sâu vào nó ngay bây giờ; nhưng điều chúng ta gọi là nỗ lực là tiến trình liên tục đi và đến, thu thập trong những chiều hướng khác nhau. Chúng ta cảm thấy mệt mỏi về một loại thu thập này, và quay sang loại khác; và khi điều đó được thu thập xong, chúng ta lại quay sang cái khác nữa. Nỗ lực là một tiến trình thu lượm kiến thức, kinh nghiệm, năng lực, đạo đức, của cải, quyền lực, v.v.; nỗ lực là một động thái trở thành, mở rộng, tăng trưởng liên tục, bất tận. Nỗ lực hướng tới một cứu cánh, dù có giá trị hay không có giá trị, chắc chắn phải luôn luôn mang lại xung đột; xung đột là hận thù, là đối lập, kháng cự. Điều đó có cần thiết không?
     “Cần thiết đối với cái gì?”
     Chúng ta hãy khám phá. Nỗ lực ở bình diện vật chất, vật lý có lẽ là cần thiết; cố gắng xây một cây cầu, sản xuất dầu hỏa, than đá, v.v. là có lợi hay có lẽ có lợi; những công việc được thực hiện như thế nào, sản phẩm được tổ chức sản xuất và phân phối như thế nào, lợi nhuận được phân chia ra sao, là một vấn đề hoàn toàn khác. Nếu trên bình diện vật lý, con người được sử dụng nhằm vào một mục đích, một lý tưởng, dù bởi lợi ích cá nhân hay Nhà nước, thì sự cố gắng chỉ tạo thêm nhiều hỗn loạn và đau khổ. Cố gắng để thu thập cho cá nhân, cho Nhà nước hay cho một tổ chức tôn giáo, chắc chắn chỉ nuôi dưỡng đối nghịch. Nếu không thấu hiểu việc đấu tranh thu thập này, thì chắc chắn sự cố gắng ở bình diện vật lý sẽ chỉ mang lại một hậu quả thảm khốc cho xã hội.
     Nỗ lực ở bình diện tâm lý, nỗ lực để trở thành, để đạt được, để thành công, có cần thiết hay có lợi ích gì không?
     “Nếu chúng ta không tạo ra nỗ lực như thế, chúng ta sẽ không mục nát, không phân hủy hay sao?”
     Chúng ta sẽ như thế à? Từ trước đến nay, chúng ta đã tạo ra được những gì thông qua nỗ lực thuộc bình diện tâm lý?
     “Tôi công nhận, không có gì nhiều. Sự nỗ lực đã đi theo hướng sai lầm. Phương hướng rất quan trọng và sự nỗ lực được định hướng đúng đắn có ý nghĩa lớn lao nhất. Chính vì không có nỗ lực đúng đắn nên chúng ta mới sống trong một đống hỗn loạn như thế.”
     Vậy là bạn bảo rằng có nỗ lực đúng đắn và nỗ lực sai lầm, đúng không? Chúng ta đừng tranh cãi hay chơi chữ làm gì, nhưng làm thế nào bạn phân biệt được giữa cố gắng đúng đắn và sai lầm? Dựa vào tiêu chí nào bạn đánh giá? Tiêu chuẩn của bạn là gì? Liệu nó là truyền thống hay liệu nó là lý tưởng tương lai, cái “sẽ phải là”?
“Tiêu chí của tôi được xác định bởi điều gì mang lại những kết quả. Chính kết quả mới quan trọng, và nếu không có sự dụ dỗ, không có sự lôi kéo của mục đích, thì chúng tôi sẽ không tạo ra nỗ lực nào.”
Nếu kết quả là thước đo của bạn, vậy chắc chắn bạn không quan tâm đến phương tiện; hay liệu bạn có quan tâm?
     “Tôi sẽ sử dụng phương tiện tùy theo cứu cánh. Nếu cứu cánh là hạnh phúc thì một phương tiện hạnh phúc phải được tìm thấy.”
     Không phải phương tiện hạnh phúc là cứu cánh hạnh phúc sao? Cứu cánh nằm trong phương tiện, đúng không? Vì vậy chỉ có phương tiện. Tự thân phương tiện là cứu cánh, là kết quả.
     “Trước đây tôi đã chưa bao giờ nhìn vấn đề theo cách này, nhưng tôi thấy rằng điều đó đúng là như vậy.”
     Chúng ta đang thâm nhập, tìm hiểu phương tiện hạnh phúc là gì. Nếu nỗ lực chỉ dấy sinh xung đột, đối nghịch ở nội tâm và ngoại cảnh, liệu sự nỗ lực có bao giờ có thể dẫn đến hạnh phúc không? Nếu cứu cánh nằm trong phương tiện, làm thế nào có thể có hạnh phúc thông qua xung đột và thù địch được? Nếu nỗ lực tạo thêm nhiều vấn đề hơn, nhiều xung đột hơn, thì rõ ràng nó mang tính hủy diệt và tan rã. Và tại sao chúng ta nỗ lực? Không phải chúng ta nỗ lực để có được nhiều hơn, để thăng tiến, để đạt được hay sao? Nỗ lực là để đạt được nhiều hơn ở một hướng và ít hơn ở hướng khác. Nỗ lực ngụ ý thu thập, kiếm được cho chính người ta hay cho một đoàn thể, phải không?
     “Vâng, đúng vậy. Thu thập cho chính mình cũng là thu thập của Nhà nước, hay giáo hội, nhưng tại một mức độ khác.”
     Nỗ lực là thu thập được, dù tiêu cực hoặc tích cực. Vậy thì, cái mà chúng ta đang thu thập là gì vậy? Một mặt chúng ta thu thập các nhu cầu vật chất, và mặt khác chúng ta sử dụng các nhu cầu ấy như một phương tiện để làm lớn cái “tôi”, cái ngã; hoặc, khi đã thỏa mãn với một vài nhu cầu vật chất, chúng ta lại thu thập quyền lực, địa vị, tiếng tăm. Những người cai trị, những người đại diện của Nhà nước, bên ngoài họ có lẽ sống cuộc sống giản dị và sở hữu chỉ một số ít của cải, nhưng họ là những người đã thu thập được quyền lực và vì vậy họ kháng cự và thống trị.

SỰ HỢP NHẤT CỦA NGƯỜI TƯ TƯỞNG VÀ CÁC TƯ TƯỞNG CỦA ANH TA

     Đó là một cái ao nhỏ, nhưng rất đẹp. Cỏ phủ quanh bờ của nó, và một vài bậc cấp dẫn xuống nó. Ở một đầu ao có một ngôi đền nhỏ, màu trắng, và quanh nó là những cây cọ cao, mảnh khảnh. Ngôi đền được xây dựng khang trang và được chăm sóc tốt; nó sạch bóng không một vết bụi, và vào giờ đó, khi Mặt Trời khuất sau lùm cọ, không có ai ở đó, kể cả vị tu sĩ, người mà có trách nhiệm trông coi ngôi đền và những đồ đạc trong đó bằng tất cả lòng thành kính. Ngôi đền nhỏ được trang trí này tạo cho cái ao một bầu không khí yên bình; khung cảnh thật tĩnh lặng, và ngay cả chim chóc cũng nín thinh. Cơn gió nhẹ đã lay động hàng cọ giờ cũng đang giảm dần, và một vài cụm mây bềnh bồng trên bầu trời, tỏa sáng cùng với Mặt Trời hoàng hôn. Một con rắn bơi ngang qua ao, lượn mình qua lại giữa đám lá sen. Nước rất trong và có những đóa sen màu tím và hồng. Hương thơm thoang thoảng của chúng bay là là trên mặt nước và quanh bờ cỏ xanh. Lúc này không một vật lay động, và sự quyến rũ của cảnh trí nơi này dường như tràn ngập khắp địa cầu. Nhìn vẻ đẹp của những bông sen này! Chúng vô cùng tĩnh lặng và một, hai bông đang bắt đầu khép lại trước bóng đêm, đang ngăn chặn bóng tối. Con rắn đã băng qua ao, lên bờ, và trườn qua gần chúng tôi; đôi mắt nó tựa như hai hạt cườm đen, sáng long lanh, và cái lưỡi chẻ đôi của nó đang đùa giỡn trước mặt nó giống như một ngọn lửa nhỏ, đang tạo đường cho nó trườn theo.
     Phỏng đoán và tưởng tượng là một cản trở cho chân lý hay sự thật. Trí não phỏng đoán sẽ không bao giờ có thể biết được vẻ đẹp của cái đang là; nó bị vướng mắc trong chính mạng lưới của những hình ảnh và những từ ngữ riêng của nó. Dù có lẽ nó lang thang xa đến đâu trong việc tạo tác hình ảnh của nó, nó vẫn còn nằm trong cái bóng của chính cấu trúc của nó, và không bao giờ có thể thấy cái vượt lên trên chính nó. Trí não nhạy cảm không phải là một trí não giàu tưởng tượng. Cái khả năng dấy tạo những hình ảnh vốn hạn chế trí não; một trí não như thế bị ràng buộc vào quá khứ, vào hồi tưởng, mà khiến trí não ngu muội. Chỉ trí não tự do mới nhạy cảm. Tích lũy trong bất kỳ hình thức nào đều là một gánh nặng; và làm thế nào một trí não có thể được tự do khi nó bị chất nặng? Chỉ trí não tự do mới nhạy cảm; chỉ trí não mở toang mới là trí não vô lượng, tuyệt đối, cái không thể biết. Sự tưởng tượng và phỏng đoán cản trở cái mở toang, cái nhạy cảm.
     Ông ấy nói, ông đã trải qua nhiều năm để tìm kiếm sự thật. Ông đã đi quanh để gặp gỡ nhiều vị thầy, nhiều vị đạo sư, và vẫn đang trên đường hành hương của mình, ông đã dừng lại đây để thâm nhập, khám phá. Da ông đã ngả màu đồng thiếc vì bị nung nấu bởi ánh nắng Mặt Trời và người thì gầy còm bởi những tháng ngày lang thang tìm học của mình, ông là một người tu khổ hạnh, là người đã từ bỏ thế gian và đã rời xứ sở xa xôi của mình. Thông qua việc tu tập, thực hành một số giới luật, khó khăn lắm ông mới học được cách tập trung, và đã chế ngự được những thèm khát của mình. Là một học giả, sẵn sàng những trích dẫn, ông biện luận rất giỏi và nhanh nhẹn trong những kết luận của mình. Ông biết tiếng Phạn và những cụm từ âm vang của nó quá dễ dàng đối với ông. Tất cả điều này đã khiến cho trí não của ông phần nào được nhạy bén; nhưng một trí não mà được cố tình làm cho nhạy bén thì không mềm dẻo, linh động, không tự do.
     Để thấu hiểu, để khám phá, liệu ngay từ khởi đầu, trí não không nên được tự do hay sao? Một trí não bị khép vào kỷ luật, bị kiềm chế, có bao giờ được tự do không? Tự do không phải tại mục đích cuối cùng; nó phải ngay tại khởi đầu, phải không? Một trí não mà bị khép vào kỷ luật, bị kiểm soát, một trí não như thế cũng được tự do trong khuôn mẫu riêng của nó; nhưng đó không phải là tự do. Cứu cánh của kỷ luật là tuân thủ; con đường của nó dẫn đến cái đã biết, và cái đã biết không bao giờ là cái tự do. Kỷ luật kèm theo sợ hãi của nó là tham lam sự thành tựu.
     “Tôi bắt đầu hiểu ra rằng có điều gì đó sai lầm một cách cơ bản trong tất cả những giới luật kỷ luật này. Mặc dù tôi đã cố gắng nhiều năm để định hình những tư tưởng của mình theo một khuôn mẫu mong muốn, nhưng tôi thấy rằng mình không đi đến đâu cả.”
     Nếu phương tiện là sự bắt chước, thì cứu cánh phải là một bản sao. Phương tiện tạo ra cứu cánh, không phải sao? Nếu ngay khởi đầu trí não bị định hình, thì nó cũng bị quy định tại khúc cuối; và có khi nào một trí não bị quy định được tự do không? Phương tiện là cứu cánh, chúng không phải là hai tiến trình tách rời. Nó là một ảo tưởng khi nghĩ rằng thông qua một phương tiện sai lầm mà cái chân thực có thể đạt được. Khi phương tiện là sự kiềm chế, thì cứu cánh cũng phải là sản phẩm của sợ hãi.
     “Tôi có một cảm nhận mơ hồ về chỗ thiếu sót của kỷ luật, ngay cả khi tôi thực hành chúng, như hiện giờ tôi vẫn còn làm; nhưng giờ đây tất cả chỉ còn là một thói quen vô thức. Từ ấu thơ sự giáo dục của tôi đã là một tiến trình tuân phục, và kỷ luật hầu như đã là một bản năng trong tôi từ ngày đầu tiên tôi đắp lên mình chiếc áo cà sa này. Phần lớn kinh sách tôi đã đọc, và tất cả đạo sư tôi đã tiếp xúc, đều khẳng định phải kiểm soát trong cách này cách khác, và chắc ông không tưởng tượng được tôi đã vướng sâu vào đó như thế nào đâu. Do đó, điều ông nói dường như là một sự báng bổ, nó thực sự là một chấn động đối với tôi, nhưng điều đó rõ ràng là rất đúng thực. Vậy những năm tháng đã qua của tôi bị lãng phí hay sao?”
     Chúng sẽ bị lãng phí nếu bây giờ các công phu tu tập, những thực hành của bạn ngăn chặn sự thấu hiểu, sự tiếp nhận sự thật, nghĩa là, nếu những trở ngại này không được quan sát một cách thông minh và thấu hiểu một cách thâm sâu. Chúng ta quá cố chấp trong thái độ sống giả tạo của chính mình đến nỗi chúng ta không dám nhìn vào nó hay vượt thoát nó. Chính sự thôi thúc mãnh liệt để thấu hiểu là khởi đầu của tự do. Vì vậy, vấn đề của chúng ta là gì?
“     Tôi đang tìm kiếm sự thật, và tôi đã biến những kỷ luật và những thực hành thuộc nhiều loại khác nhau thành phương tiện dẫn đến mục đích đó. Cái bản năng thâm sâu nhất trong tôi đã thôi thúc tôi tìm kiếm và khám phá, và tôi không còn quan tâm đến bất cứ điều gì khác nữa.”
     Hãy bắt đầu từ gần để đi xa. Bạn hiểu tìm kiếm là gì? Bạn đang tìm kiếm sự thật phải không? Và sự thật có thể được thấy bằng việc tìm kiếm hay sao? Để tìm kiếm sự thật, bạn phải biết nó là gì. Tìm kiếm hàm ý một biết trước, điều gì đó đã được cảm nhận và đã biết rồi, phải không? Và phải chăng sự thật là điều gì đó có thể biết được, thu thập được và nắm giữ được?      Phải chăng dấu hiệu gợi ý của sự thật chỉ là dự phóng của quá khứ và vì vậy không phải là sự thật gì cả, nhưng chỉ là một hồi ức? Tìm kiếm hàm ý một tiến trình phóng ngoại hoặc hướng nội, phải không? Và phải chăng, trí não phải tịch lặng để cho hiện thực hiện diện? Tìm kiếm là nỗ lực để đạt được nhiều hơn hoặc ít đi, nó là sự thu thập tiêu cực hoặc tích cực; và chừng nào trí não còn là nơi tập trung, nơi hội tụ của nỗ lực, của xung đột, liệu có khi nào nó tĩnh lặng? Liệu trí não có thể tịch lặng thông qua nỗ lực? Trí não có thể bị làm cho tịch lặng bằng cưỡng bức, ép buộc; nhưng điều gì đã được tạo ra có thể làm cho không được tạo ra (what is made can be unmade).
     “Nhưng nỗ lực thuộc loại nào đó không cần thiết hay sao?”
    Chúng ta sẽ thấy. Hãy thâm nhập, tra xét sâu vào sự thật của việc tìm kiếm. Để tìm kiếm, tất phải có người tìm kiếm, một thực thể tách khỏi điều mà anh ta tìm kiếm. Và liệu có một thực thể tách rời như thế? Liệu người tư tưởng, người kinh nghiệm, khác biệt hay tách rời những tư tưởng và những kinh nghiệm của anh ta? Nếu không tra xét, không thâm nhập sâu vào toàn bộ vấn đề này, thì thiền không ý nghĩa gì cả. Do đó, chúng ta phải thấu hiểu trí não, tức tiến trình của cái “tôi”, cái ngã. Cái trí não mà tìm kiếm, mà chọn lựa, mà sợ hãi, mà phủ nhận và biện minh ấy là gì? Tư tưởng là gì?
    “Tôi đã chưa bao giờ tiếp cận vấn đề theo cách này, và bây giờ tôi khá bị hoang mang, bối rối; nhưng xin ông cứ tiếp tục.”
    Tư tưởng là cảm giác, đúng không? Thông qua nhận biết và tiếp xúc, mới có cảm giác; từ cảm giác này nảy sinh ham muốn, ham muốn cái này chứ không phải cái kia. Ham muốn là khởi đầu của sự đồng nhất, là “cái của tôi” và “cái không phải của tôi”. Tư tưởng là cảm giác được biểu lộ bằng ngôn từ; tư tưởng là ứng đáp của ký ức, là từ ngữ, kinh nghiệm, hình ảnh. Tư tưởng là nhất thời, thay đổi, không vĩnh cửu, và nó đang tìm kiếm sự thường hằng, vĩnh cửu. Vì vậy, tư tưởng tạo ra người tư tưởng, cái người mà sau đó trở thành thường hằng; anh ta đảm nhận vai trò người kiểm duyệt, người dẫn đường, người kiểm soát, người đúc khuôn tư tưởng. Cái thực thể thường hằng hư ảo này là sản phẩm của tư tưởng, của cái nhất thời, cái thoáng chốc. Thực thể này là tư tưởng; nếu không có tư tưởng, thì thực thể này không tồn tại. Người tư tưởng được tạo thành từ những phẩm chất; những phẩm chất của anh ta không thể bị tách khỏi anh ta. Người kiểm soát chính là đối tượng được kiểm soát, anh ta chỉ đang chơi một trò chơi lừa dối với chính mình. Cho đến khi nào cái ảo được thấy như cái ảo, thì sự thật mới xuất hiện.
    “Vậy thì người thấy, người kinh nghiệm, cái thực thể mà nói ‘Tôi hiểu’, là ai vậy?”
Bao lâu còn có người kinh nghiệm đang nhớ lại kinh nghiệm thì sự thật không xuất hiện. Sự thật không phải là điều gì đó để được nhớ lại, để được tích lũy, để được ghi lại và rồi được tạo ra. Điều gì được tích lũy không phải là sự thật. Sự ham muốn kinh nghiệm tạo ra người kinh nghiệm, người mà sau đó tích lũy và hồi tưởng. Sự ham muốn khiến tách rời người tư tưởng khỏi tư tưởng của anh ấy; ham muốn để trở thành, để kinh nghiệm, để được nhiều hơn hoặc ít hơn, đã tạo ra sự phân chia giữa người kinh nghiệm và điều được kinh nghiệm. Giác tri, tức nhận biết được mọi đường đi nước bước của ham muốn là tự tri tự giác, tức thấu hiểu về chính mình. Tự giác là khởi đầu của thiền định.
    “Làm cách nào có thể có được sự hợp nhất, sự hiệp thông giữa người tư tưởng và chính những tư tưởng của anh ta?”
    Không thông qua hành động của ý chí, cũng không thông qua kỷ luật, cũng không thông qua bất kỳ hình thức của nỗ lực, kiềm chế hay tập trung, cũng không thông qua bất kỳ phương tiện nào khác. Sử dụng phương tiện hàm ý có một tác nhân đứng ra hành động, phải không? Chừng nào còn có người hành động, thì sẽ còn có một phân chia. Sự tan chảy để hợp nhất tức sự hiệp thông chỉ xảy ra khi trí não cực kỳ tĩnh lặng mà không đang cố gắng để được tĩnh lặng. Có tĩnh lặng này, không phải khi người tư tưởng kết thúc, mà chỉ khi nào tư tưởng tự nó đã kết thúc. Phải được tự do khỏi mọi phản ứng của sự quy định mà là tư tưởng. Mỗi vấn đề chỉ được giải quyết khi những ý tưởng, những kết luận không còn tồn tại; kết luận, ý tưởng, tư tưởng là sự hoạt động của trí não. Làm sao có thể có được thấu hiểu khi trí não còn hoạt động chứ? Tính khẩn thiết phải được tôi luyện bởi tác động cực nhanh của tính tự phát. Bạn sẽ tìm ra, nếu bạn đã thực sự nghe tất cả mọi điều đã được nói, rằng sự thật sẽ xuất hiện trong những khoảnh khắc khi bạn không đang mong đợi. Nếu tôi có thể đề nghị như thế này, hãy cởi mở, hãy nhạy cảm, hãy hoàn toàn tri giác được cái đang là từng phút từng giây, từng khoảnh khắc sang khoảnh khắc. Đừng dựng lên quanh bạn một bức tường tư tưởng kiên cố. Hạnh phúc của sự thật chỉ xuất hiện khi trí não không còn bận bịu với chính những hoạt động và những đấu tranh của nó.
.....

đặt mua những ẤN PHẨM khác của sách thiện tri thức

đặt mua những ẤN PHẨM khác của sách thiện tri thức

MUA NGAY

HỆ THỐNG PHÁT HÀNH

CÔNG TY XUẤT BẢN SÁCH THIỆN TRI THỨC

Địa chỉ: số 141, ngõ 325 Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội 

Hotline: + 84328 033 988

Email: contact@thientrithuc.com.vn

Website: http://thientrithuc.com.vn

©2024 Bản quyền thuộc về Sách Thiện Tri Thức